CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc
PHÊ BÌNH VIỆC LÀM HAY PHÊ BÌNH NGƯỜI ?
Thứ hai 25/01/2021 07:31
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tự phê bình và phê bình. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng và bảo đảm cho sự phát triển của Đảng. Người nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng tự phê bình và phê bình”, “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… Vì vậy, phê bình cũng như tự phê bình phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” và “phê bình việc làm chứ không phê bình người”. Bác chỉ rõ: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? làm thế nào mà sửa chữa?”.

 

Hội nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Đảng ủy Khối 2020

Song, hiện nay ở một số ít cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, cán bộ, đảng viên nhận thức, thực hiện chưa đầy đủ và đúng mục đích của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Chúng ta cần xác định tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên chứ không phải là giải pháp nhất thời. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, cần đánh giá cả ưu điểm, chỉ ra khuyết điểm của mình cũng như của đồng chí mình, thực hiện phê bình "việc" chứ không phê bình "người". Nghĩa là, cùng một con người nhưng trước đó mọi công việc thực hiện đều tốt nhưng tại một thời điểm cụ thể, thực hiện nhiệm vụ cụ thể của tổ chức giao không tốt thì phê bình việc làm chưa tốt đó chứ không nên phê bình cả một quá trình công tác của người đó. Thế nhưng đây đó vẫn còn một số cá nhân thiên về tìm khuyết điểm của người khác theo kiểu "vạch lá tìm sâu" để làm giảm uy tín; thiên về phê bình người khác mà không nghiêm khắc tự phê bình, nhất là ở thời điểm trước khi cấp ủy đảng xem xét, đánh giá chất lượng đảng viên, cất nhắc, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Trái lại cũng có những người cơ hội, thực dụng, khi thực hiện kiểm điểm, phê bình cấp trên thường chỉ "nhấn mạnh ưu điểm, năng lực lãnh đạo nổi bật" để được lòng cấp trên. Điều này không chỉ gây ra tác hại "gạt mình, lừa người" dẫn đến tình trạng mất tính chiến đấu trong tổ chức đảng, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng, mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng, quyết tâm phấn đấu, nhất là với đảng viên trẻ khi họ nhận thấy những điều trái ngược đang diễn ra, làm cho họ mất đi động lực để phấn đấu, giảm sút sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cấp ủy, bí thư chi bộ chưa làm tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình cho cán bộ, đảng viên; chưa kịp thời chấn chỉnh hoặc xử lý chưa nghiêm những trường hợp lợi dụng phê bình để nói xấu, hạ uy tín; chưa quán triệt phương pháp phê bình việc chứ không nói xấu người.

Để khắc phục tình trạng trên, phát huy vai trò của tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là bí thư cấp ủy cần làm gương trong tự phê bình và phê bình; thẳng thắn trong đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của bản thân; cầu thị và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của đảng viên; góp ý, phê bình cấp dưới, đảng viên phải công tâm, khách quan và có sự "nhìn nhận rộng lượng" khi đồng chí của mình có khuyết điểm. Cốt của phê bình là để giúp đồng chí mình nhận ra những mặt mạnh phát huy, sửa chữa khuyết điểm kịp thời, trở thành một đảng viên tốt. Cấp ủy, bí thư chi bộ phải làm tốt công tác giáo dục, quán triệt các văn bản của Đảng về tự phê bình và phê bình; trong sinh hoạt đảng, tạo ra bầu không khí cởi mở, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình nhưng phải có sự định hướng, lãnh đạo. Đồng thời, hướng dẫn, gợi ý cho các đảng viên, nhất là đảng viên trẻ chuẩn bị ý kiến, tham gia đóng góp trong các buổi sinh hoạt; phê bình kịp thời những nhận thức sai lệch về mục đích của phê bình, nhất là với những cá nhân cố tình lợi dụng phê bình để nói xấu, hạ thấp uy tín của đồng chí đồng nghiệp.

  Bảo Giang