Sáng 9.5, tại trụ sở UBND tỉnh, Đoàn công tác của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ CA) do đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng C06 làm trưởng đoàn, làm việc với UBND tỉnh về tình hình triển khai, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng.
Tiếp, làm việc với đoàn có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng thành viên Ban Chỉ đạo về Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh; đại diện một số DN công nghệ thông tin - viễn thông đóng trên địa bàn tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06; Nghị quyết 57-NQ/TW và Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng của tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc triển khai Đề án 06 tại Bình Định giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã mang lại những kết quả rõ nét, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Kết quả này có được nhờ sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với việc ban hành đồng bộ hệ thống văn bản chỉ đạo, gồm 1 chỉ thị của Tỉnh ủy, 33 quyết định và 163 công văn của UBND tỉnh, đảm bảo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo đúng phương châm “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm.
Một trong những chuyển biến nổi bật là trong lĩnh vực thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Hiện tỉnh đã triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, trong đó 13 dịch vụ thuộc ngành CA có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 94% và 12 dịch vụ do UBND tỉnh quản lý đạt 98,81%. Tính đến quý I/2025, toàn tỉnh có 1.230 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 66%) và 278 dịch vụ công trực tuyến một phần (15%). Tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến đạt 85%, hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,81%, 100% thủ tục hành chính có phí đều được triển khai thanh toán trực tuyến. Đáng chú ý, tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ đạt tới 99,88%, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 80%; kết quả giải quyết điện tử đạt 95,58%; tỷ lệ tái sử dụng kết quả số hóa là 69,82%, vượt chỉ tiêu 50% được giao. Những con số này cho thấy rõ hiệu quả cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian, chi phí và tăng sự hài lòng của người dân, DN.
Song song với đó, việc phát triển công dân số được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. CA tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho hơn 1,6 triệu người, với tỷ lệ cấp tài khoản định danh điện tử đạt 99,6%, trong đó 92,12% đã được kích hoạt và sử dụng. Đặc biệt, tất cả 192 cơ sở y tế trên địa bàn đã áp dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh, giúp tỷ lệ tra cứu thông tin BHYT qua CCCD đạt 82,13%. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý y tế mà còn mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong tiếp cận dịch vụ công.
Chuyển đổi số cũng góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH. Trong lĩnh vực thuế, 90% DN và hộ kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, với gần 13 triệu hóa đơn được giao dịch, tổng giá trị khoảng 8.784 tỷ đồng.
Trong ngành giáo dục, 128/212 trường tiểu học (tỷ lệ 60,37%) đã triển khai học bạ số, với tỷ lệ học bạ phát hành đạt 99,17%. Đồng thời, tỉnh đã hoàn thành kết nối dữ liệu học bạ số với hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ngành ngân hàng cũng có bước tiến rõ rệt trong thanh toán không tiền mặt, tích hợp định danh số VNeID trong các giao dịch mở tài khoản, nhận diện khách hàng, thanh toán điện nước, ví điện tử và xác thực sinh trắc học, đảm bảo an toàn giao dịch và tính minh bạch.
Gắn liền với triển khai Đề án 06, tỉnh cũng đang tích cực thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ chính quyền điện tử được nâng cấp, hệ thống thông tin quản lý từ tỉnh đến cơ sở từng bước được hoàn thiện và kết nối đồng bộ.
Đáng chú ý, Trường ĐH Quy Nhơn đang chủ trì xây dựng Đề án đào tạo khoảng 7.500 nhân lực chất lượng cao cho các ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng giai đoạn 2025 - 2030, tạo nền tảng nhân lực bền vững cho kinh tế số. Song song đó, Sở GD&ĐT đang triển khai Đề án phát triển giáo dục STEM và tỉnh đã ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2022 - 2025.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI
Trong khối Đảng, công tác chuyển đổi số đang có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, cùng với đó là kết nối đường truyền dữ liệu chuyên dùng đến 58 xã, phường trung tâm sau sáp nhập. Các chương trình chuyển đổi số như “Bình dân học vụ số” và chương trình công tác chuyển đổi số năm 2025 trong các cơ quan Đảng đã được ban hành và triển khai. Nhiều phần mềm, ứng dụng đã được đưa vào sử dụng, từ Cổng ứng dụng cơ quan Đảng, phần mềm sổ tay đảng viên điện tử, trợ lý ảo hỗ trợ đại hội, đến các hệ thống bảo mật tài liệu và giám sát thực hiện nghị quyết, cho thấy sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo và quản lý nội bộ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án 06, nhiều khó khăn, vướng mắc đã phát sinh, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực hiện.
Khó nhất là nhiều nội dung mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong đó phần lớn nhiệm vụ thuộc trách nhiệm các bộ, ngành Trung ương, trong khi địa phương chỉ là đơn vị thụ hưởng, dẫn đến việc triển khai tại cơ sở còn bị động.
Nguồn lực dành cho công tác điều phối, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện Đề án tại cơ quan thường trực còn hạn chế; nhiều mô hình cần kinh phí lớn nhưng địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, tỷ lệ sử dụng chữ ký số cá nhân và kích hoạt tài khoản VNeID còn thấp, làm giảm hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Một số thủ tục hành chính tuy đã được cải tiến nhưng quy trình, giao diện thực hiện trực tuyến vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân trong quá trình sử dụng.
Riêng đối với Nghị quyết 57-NQ/TW, Đề án “Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” vẫn chưa được phê duyệt, làm chậm tiến độ triển khai. Công tác số hóa hồ sơ, tài liệu tại cấp huyện cũng gặp nhiều khó khăn do khối lượng lớn, đòi hỏi phải chỉnh lý, sắp xếp, làm sạch trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin cho cấp huyện, cấp xã hiện đang tạm dừng để chờ hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức hành chính, ảnh hưởng đến quá trình triển khai đồng bộ hạ tầng số.
Đồng thời, việc triển khai một số phần mềm dùng trong các cơ quan Đảng như sổ tay đảng viên, phần mềm theo dõi tiến trình, kết quả đại hội các cấp còn chậm so với tiến độ đề ra, gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
TRỌNG LỢI - Nguồn Báo Bình Định