CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA QUÂN VÀ DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG CHIẾN DỊCH MÙA XUÂN LỊCH SỬ NĂM 1975
Thứ ba 29/04/2025 08:36

Trong vòng một tháng kể từ sau ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định (31/3/1975) đến khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), quân và dân tỉnh Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, vừa nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt sau ngày giải phóng, triển khai thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ cho chiến trường phía Nam và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những đóng góp đó là hết sức quan trọng, góp phần cùng quân dân cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

1. Tình hình và chủ trương chiến lược của Đảng

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, cách mạng Việt Nam đứng trước thời cơ lịch sử, ngày 07/01/1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước” hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong năm 1975 hoặc năm 1976, đồng thời xác định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”. Tại chiến trường Khu V và Tây Nguyên, Bộ Chính trị chủ trương dùng sư đoàn chủ lực đánh Tây Nguyên, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực cơ động nhanh vào miền Đông, phối hợp với quân chủ lực Miền tiến đánh Sài Gòn: “Mở trận đầu đánh chiếm Buôn Ma Thuột, thọc thẳng xuống Tuy Hòa (Phú Yên), cắt đồng bằng Khu V ra làm đôi, tạo thêm một hướng nữa để tiến nhanh vào phía Nam vây ép Sài Gòn. Sử dụng lực lượng của Quân Khu V và lực lượng quân sự, chính trị các tỉnh ven biển miền Trung, giải phóng từ Bình Định trở ra để ép địch về phía Đà Nẵng” (1).

Thực hiện chủ trương đề ra, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 04/3/1975 với chiến thắng mở đầu Buôn Ma Thuột. Tiếp đó, chiến thắng ở Tây nguyên, chiến thắng Trị Thiên - Huế, chiến thắng Đà Nẵng và các tỉnh Trung Trung Bộ đã làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh giữa ta và địch. Chính quyền Sài Gòn không những không có khả năng lấy lại các vùng đã mất mà còn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đánh giá tình hình sau các chiến thắng trên, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”. Từ đánh giá đó, Bộ Chính trị quyết định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công những lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc. Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra” (2).

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 07/4/1975, đồng chí Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường miền Nam: “Mệnh lệnh: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Bức điện được lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như “Lời hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng (3).

Thực hiện quyết tâm chiến lược, tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo của Đảng, cả nước sôi nổi không khí ra trận. Hàng nghìn xe vận tải chở quân, chở hàng theo đường 1, đường Đông và Tây Trường Sơn, ngày đêm hối hả tiến về phía Nam. Các nhà ga, bến cảng nhộn nhịp hoạt động, đưa gạo, đưa đạn lên các đoàn tàu hỏa, các tàu biển, chuyển xuống các đoàn canô kéo theo sà lan để theo các tuyến đường sắt, đường sông, đường vận tải ven biển tiến về Sài Gòn. Hơn lúc nào hết, “thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Cần phải hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp”.

Địa bàn Quân khu V đã được giải phóng. Với phương châm tất cả cho chiến thắng, tất cả cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, Quân khu chỉ đạo dùng 1.800 lần chiếc ôtô vận chuyển 730 tấn vũ khí, bảo đảm 3.986 tấn nhiên liệu và lương thực cho các lực lượng tham gia vào trận quyết chiến cuối cùng. Bộ đội phòng không Quân khu tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến ném bom phá hoại giao thông hòng cản bước tiến công quân ta, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cầu cống, đảm bảo giao thông thông suốt (4).

2. Quân và dân Bình Định trong chiến dịch mùa Xuân lịch sử năm 1975

Chấp hành chủ trương của Đảng, ngay sau ngày giải phóng toàn tỉnh (31/3/1975), mặt dù còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề trước mắt, nhưng Đảng bộ tỉnh đã lập tức động viên quân và dân trong tỉnh khẩn trương, tích cực đóng góp nhân tài, vật lực phục vụ cho chiến trường phía Nam và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng (10 - 13/4/1975) nêu rõ: “Động viên cao độ sức người, sức của phục vụ đắc lực cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

Về lực lượng quân sự, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo các địa phương bổ sung hàng trăm thanh niên cho Sư đoàn 3 tiến thẳng vào mặt trận phía Nam. Cảng Quy Nhơn đón hàng chục tàu chở các đơn vị của Quân đoàn II. Chỉ đạo huy động hàng trăm xe quân sự, xe vận tải, xe ca và hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu cung cấp kịp thời cho Quân đoàn II hành quân thần tốc vào Nam.

Lúc bấy giờ, các sư đoàn bộ đội ở Gia Lai, Kon Tum theo đường 19 xuống Bình Định có đề nghị chi viện lương thực, thực phẩm, xăng dầu, xe cộ… Đồng chí Nguyễn Trung Tín, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nhanh chóng xuất lương thực, thực phẩm để chi viện cho các sư đoàn. Cùng lúc đó, có 1 trung đoàn binh chủng hải quân từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn, Nhân dân khu Cảng Quy Nhơn đã nuôi ăn ở 2 ngày, sau đó lại thần tốc tiến vào phía Nam. Quy Nhơn, Bình Định trở thành điểm trung chuyển cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội trên đường hành quân vào Nam (5).

 

Mít tinh quần chúng tại Quảng trường trung tâm thị xã Quy Nhơn ngày 8/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Đảng bộ tỉnh chỉ đạo các địa phương huy động hàng vạn Nhân dân ven Quốc lộ 1A, từ Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) đến Phú Tài (thị xã Quy Nhơn) và ven Quốc lộ 19 từ Phú Tài đến cảng Quy Nhơn sắp hàng dài nối tiếp nhau, tay cầm cờ, hoa đón đưa những đoàn quân giải phóng trên đường hành quân thần tốc. Hàng ngàn gia đình đã động viên và tiễn đưa con em gia nhập các đơn vị bộ đội giải phóng và thanh niên xung phong, dân công phục vụ chiến đấu (6).

Toàn tỉnh dấy lên phong trào “Tuần lễ lạc quyên” đóng góp tiền, lương thực, thực phẩm và một phần chiến lợi phẩm như khí tài, quân trang, quân dụng thu được của địch để phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hàng trăm xe tải, xe khách, xe bồn, xe quân sự được huy động chuyên chở hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm với hơn 500 tấn gạo, 14 triệu đồng và chiến lợi phẩm phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tỉnh Bình Định cũng đưa 600 thanh niên xung phong và 2.000 dân công (cả ngắn hạn và dài hạn) tham gia phục vụ chiến đấu (7).

Đối với lực lượng thanh niên, chỉ trong tháng 4/1975, đã có trên 7.000 đoàn viên và thanh niên tham gia bộ đội và du kích, hàng trăm đoàn viên và thanh niên tình nguyện vào bộ đội chủ lực tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam (8). Liên hiệp Công đoàn tỉnh tổ chức cán bộ công đoàn các cấp học tập chính trị, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm công tác; vận động công nhân tự bảo vệ nhà máy, xí nghiệp, công sở, cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, nhà xưởng, kho tàng, tài liệu; phần lớn các cơ sở quân sự như: Quân cảng, sân bay, cơ quan thông tin quân sự, các cơ sở kinh tế, đài phát thanh, trạm ra đa, nhà ga, bưu điện, trường học, bệnh viện; vận động bốc dỡ 3.304 tấn hàng cho chính quyền cách mạng tại Cảng Quy Nhơn; vận động 37 xe khách, xe vận tải và hàng chục xe quân sự; tổ chức 875 lượt xe chở hàng ngàn quân giải phóng, 1.789 tấn hàng hóa; đặc biệt, ngành đường sắt nhanh chóng sửa chữa, phục hồi 81 km đường sắt tuyến Bồng Sơn - Quy Nhơn, phục vụ chuyên chở bộ đội, Nhân dân và hàng hóa cho cách mạng và phục vụ giải phóng Sài Gòn (9).

Trước thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chính trị quyết định tổ chức lễ mừng chiến thắng trọng thể trong cả nước. Ngày 05/5/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 220-CT/TW về Kế hoạch ngày lễ trong cả nước mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc, nhằm làm cho Nhân dân “Biểu lộ niềm hân hoan phấn khởi và lòng tự hào trước thắng lợi lịch sử vĩ đại của quân và dân ta, tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng và tiền đồ tươi sáng của dân tộc ta. Biến niềm phấn khởi và tự hào thành hành động cách mạng thiết thực”. Chỉ thị còn nêu rõ: “Khắp thành thị và nông thôn treo cờ, ảnh Hồ Chủ tịch, băng, khẩu hiệu, tranh cổ động, bản đồ cả nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, sáng ngày 15/5/1975, tại sân vận động thị xã Quy Nhơn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh tổ chức trọng thể lễ mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng gắn với kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân tay cầm cờ, hoa cùng hàng chục chiếc xe hoa rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ các đường phố tiến về lễ đài, với đội ngũ chỉnh tề, nghiêm trang.

Trong khí thế hào hùng của cả dân tộc, đồng chí Nguyễn Trung Tín, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh đọc diễn văn chào mừng thắng lợi to lớn của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Bình Định nói riêng, đồng thời bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ và đồng bào Bình Định đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Trung Tín kêu gọi toàn quân, toàn dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Sau lễ mít tinh, cuộc diễu hành của các đơn vị và Nhân dân lần lượt qua các đường phố ở thị xã Quy Nhơn, hô vang các khẩu hiệu mừng chiến thắng. Với lòng thành kính, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các huyện trong tỉnh và các phường, khối phố, trường học ở thị xã Quy Nhơn cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Ty Văn hóa - Thông tin Bình Định tổ chức triển lãm những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc chiến đấu, sản xuất và xây dựng của quân dân Bình Định. Thông qua các hoạt động mít tinh kỷ niệm, thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao làm cho cán bộ, đảng viên và toàn quân, toàn dân trong tỉnh hiểu sâu sắc hơn về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, về thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; về tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; tạo niềm tin to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, tự lực tự cường để thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp bách sau giải phóng, để góp phần cùng cả nước xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

3. Kết luận

Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vốn đã đầy ắp những sự kiện, nhưng càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc, là đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đối với tỉnh Bình Định, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng cho chiến trường phía Nam và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Triều Tiên

-----------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 8-9, 95-96.

(3) https://hochiminh.vn/tin-tuc/chien-dich-ho-chi-minh-nhung-dau-an-con-mai-8721, truy cập ngày 08/4/2025.

(4) Bộ Tư lệnh Quân khu V (2020), Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu V, Tập 1: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 186.

(5) Nguyễn Trung Tín (2005), Ở lại với dòng sông (Hồi ký, Xuân mai thể hiện), tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 400.

(6) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (2015), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1954 - 1975), Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định, tr. 288.

(7) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1975 - 2005), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 22.

(8) Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định (2001), Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Bình Định (1930 - 1975), Sở Văn hóa Thông tin Bình Định, tr. 284.

(9) Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định (2003), Lịch sử công đoàn và phong trào công nhân lao động tỉnh Bình Định (1975 - 2000), tr. 7-9.