CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Nét đặc sắc, sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “Chính trị trọng hơn quân sự”
Thứ năm 12/12/2024 13:49

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện lực lượng vũ trang Nhân dân đã để lại cho hậu thế di sản vô cùng to lớn và quý giá. Trong đó có tư tưởng “Chính trị trọng hơn quân sự”. Đây chính là đường lối cơ bản xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân, có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12/1944). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính trị trọng hơn quân sự”. Tư tưởng của Người chỉ ra trong bối cảnh cách mạng Việt Nam trực tiếp chống lại kẻ thù của dân tộc là phát xít Nhật - Pháp và phong kiến tay sai phản động. Đặc biệt, giai đoạn này so sánh tương quan lực lượng về mặt quân sự giữa hai bên, lực lượng cách mạng và kẻ thù của dân tộc không cân sức về mặt quân sự.  

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1. Quan niệm Hồ Chí Minh về chính trị

Chính trị là “ Những hoạt động của một giai cấp, một chính đảng, một tập đoàn xã hội nhằm giành hoặc duy trì quyền điều khiển bộ máy nhà nước”[1]. Theo Hồ Chí Minh, để làm cách mạng đến thắng lợi, lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai phản động - Xây dựng một xã hội mới thì điều kiện hàng đầu là phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo “ Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2]. Chính vì vậy, Đảng cách mạng phải có đường lối chính trị đúng đắn là vấn đề nền tảng, cốt lõi, dòng chủ lưu xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của cách mạng. Có đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho nhân dân giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, mới hiểu rõ tình hình cách mạng và mới ý thức rõ được những việc cần thực hiện và trở thành hành động tự giác. Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị của mình chủ yếu bằng việc đề ra Cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược của Cách mạng. Nếu đường lối chính trị không đúng đắn sẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất của Đảng đối với toàn xã hội, với vận mệnh của Tổ quốc và sinh mạng chính trị của hàng triệu đảng viên cũng như toàn thể dân tộc. Có đường lối chính trị đúng đắn thì sẽ làm cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trở thành hành động tự giác. Ngược lại, đường lối chính trị không đúng đắn thì phong trào quần chúng không thể thoát ra khỏi phong trào tự phát dẫn đến tập hợp lực lượng rời rạc, địa phương này phong trào lên cao nhưng địa phương khác lại thoái trào, cuối cùng bị thất bại. Thực tiễn phong trào cộng sản - công nhân trên thế giới và trong nước đã chứng minh điều đó. Mùa Xuân, năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có ngay đường lối chính trị đúng đắn. Trong Chánh cương vắn tắt của Người soạn thảo thông qua Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản, tuy rất “vắn tắt” ngắn gọn, nhưng đã xác định rõ ràng những vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3] đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề đường lối chính trị, Người chỉ rõ: “Phải có đường lối cách mạng đúng, có đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đúng. Đường lối ấy chỉ có thể là đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc”[4]. Bởi vì, xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, trình độ dân trí còn hạn chế, do đó khi vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin phải chú ý sáng tạo và phát triển, không được phép giáo điều, nếu biến chủ nghĩa Mác - Lênin thành công thức cứng đờ thì đường lối chính trị chỉ là sự sao chép, rập khuôn, không chứa đựng bản chất cách mạng, khoa học và khả năng thực thi trong thực tế cuộc sống. Theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị đúng đắn phải vận dụng đúng lý luận chủ nghĩa – Mác - Lênin và còn phải tính đến đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể đất nước và xu thế phát triển của thời đại trong từng giai đoạn hoặc cả một thời kỳ dài.

2. Chính trị theo Hồ Chí Minh phải xuất phát từ mục tiêu hành động tất cả vì con người có cuộc sống tự do, ấm no, văn minh, hạnh phúc

Tư tưởng “Chính trị trọng hơn quân sự” được Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề con người và là sự kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhằm xây dựng lực lương vũ trang cách mạng, theo Hồ Chí Minh vấn đề đầu tiên, trước hết phải từ vấn đề con người. Hồ Chí Minh quan niệm con người là “Đồng bào” hoặc “Nhân dân” và gọn hơn nữa là “Dân”. Người cho rằng, con người là tinh hoa của trời, đất - tổng hợp những tinh túy nhất trong quá trình phát triển của tự nhiên và sự tiến bộ của xã hội do xã hội quyết định, đó là những con người hiện thực, có đời sống và nhân cách riêng, đang tham gia vào như là yếu tố cơ bản của mọi lĩnh vực đời sống - xã hội. Đây là những quan niệm nền tảng, “gốc” để Hồ Chí Minh đánh giá đúng vai trò con người bao giờ cũng ở vị trí trung tâm trong thế giới. Người viết: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người.”[5]. Hồ Chí Minh luôn đề cao con người, nhìn thấy sức mạnh của con người khi con người được đặt trên một cội rễ văn hóa truyền thống “yêu nước”, “đoàn kết”, “cần cù”, “sáng tạo”, “anh hùng”, “dũng cảm”, “nghĩa tình”, “tự cường”, “trung thành”, “trách nhiệm” khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng cao đẹp theo các giá trị nhân văn, khi con người được đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của sự sinh tồn và phát triển. Hồ Chí Minh coi con người là vốn quý nhất “ trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”[6] nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở đây, tư tưởng Hồ Chí Minh là bắt đầu từ con người, do con người, của con người - con người là mục tiêu, động lực, lực lượng chủ yếu trực tiếp quyết định của sự nghiệp cách mạng.

3. Mối quan hệ giữa chính trị và quân sự

Sinh thời, Hồ Chí Minh quan niệm, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, đó là nền tảng, “gốc”, là cơ sở để phát triển lực lượng vũ trang. Người cho rằng, trước hết phải thành lập các tổ chức chính trị của quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Binh lính cứu quốc…Các đoàn thể cách mạng càng phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang. Người chỉ rõ:  “Muốn có đội quân vũ trang phải có đội tuyên truyền vận động - đội quân chính trị trước đã… thông qua các tổ chức này mà chọn lọc số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”[7]. Để xây dựng lực lượng vũ trang vững chắc, ổn định và phát triển, phải thận trọng cân nhắc từng người một, các cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về; lựa chọn những người đã có ít nhiều hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự, có đủ thành phần dân tộc, người địa phương nào cũng có, nhằm phục vụ cho hoạt động quân sự được thuận lợi.

Trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị của đế quốc, thực dân và bọn phong kiến tay sai phản động là hết sức khó khăn, gian khổ, không phải một sớm một chiều là giành được thắng lợi. Theo Người, trước hết chính trị có vững thì tư tưởng mới thông, quyết tâm mới cao, trí tuệ mới sáng, khả năng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ mới lớn, kỷ luật mới nghiêm và mới tạo ra sức mạnh để đánh thắng kẻ địch. Có chính trị đúng sẽ có tư tưởng tốt, sẽ có ý chí, quyết tâm cao, sẽ có lòng yêu nước. Vai trò quan trọng của lực lượng chính trị không chỉ tồn tại ở thời điểm thành lập lực lượng vũ trang nhân dân mà ngay cả khi lực lượng vũ trang nhân dân đã tồn tại độc lập thì chính trị vẫn trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến và giữa hai lực lượng này vẫn có mối quan hệ hết sức bền chặt.

4. Theo Hồ Chí Minh Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng. Xuất phát từ lý luận Mác - Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và tư tưởng toàn dân đánh giặc của ông cha ta. Bởi vì, kẻ thù xâm lược lúc đầu thường dùng sức mạnh kinh tế, quân sự, nhất là vũ khí trang bị hiện đại, nên chúng ta không thể chỉ dựa vào lực lượng vũ trang mà đánh thắng được chúng. Người phân tích: “Địch muốn làm cho chóng, muốn thắng nó ta phải toàn diện kháng chiến, toàn dân kháng chiến”[8],“ Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”[9]. Chính vì vậy, trong cuộc chiến tranh cách mạng phải dựa vào lực lượng của toàn dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tổ chức tập hợp và phát động toàn dân đánh giặc mới tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”[10]. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người kêu gọi: “Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ... quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”[11].

Để huy động sức mạnh toàn dân, theo Hồ Chí Minh không chỉ cổ vũ động viên mà phải đặc biệt chú trọng công tác tổ chức lực lượng theo quan điểm “Người trước súng sau, từ xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng làm cơ sở nền tảng xây dựng lực lượng vũ trang. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Người phân tích âm mưu của kẻ thù tấn công ta trên tất cả các mặt quân sự, phá hoại kinh tế, chia rẽ đoàn kết dân tộc, bao vây cô lập ta về ngoại giao... “Giặc đánh ta về các mặt: chính trị, quân sự, kinh tế. Ta cần chống giặc về những mặt đó... Nhưng về tinh thần thì ta mạnh hơn địch gấp bội, vì ta có chính nghĩa”[12].

Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao.. “Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở thành một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”[13]. Phát huy thế mạnh của chiến tranh Nhân dân với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phải phát huy cao độ nghệ thuật quân sự Việt Nam, thực hiện “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ nhằm trực tiếp tiêu hao, lực lượng quân sự của địch, tiến tới đánh bại chúng. Người chỉ rõ, địch quân sự mạnh nhưng chính trị yếu hơn ta. Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị nhưng thắng lợi chính trị đó sẽ làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn. Bởi vậy, đấu tranh quân sự phải gắn liền với đấu tranh chính trị, văn hóa, phát huy thế mạnh chính nghĩa của ta, vạch trần bản chất phi nghĩa của địch, tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự phát triển.

Theo Hồ Chí Minh, kháng chiến về kinh tế là “Một mặt phân tán kinh tế của địch một mặt xây dựng kinh tế của ta. Vì vậy, toàn dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để phục vụ kháng chiến. Người coi, “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí... hậu phương thi đua với tiền phương”[14]. Trên mặt trận văn hoá, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn thâm hiểm hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm lung lạc ý chí chiến đấu của nhân dân ta. Do vậy “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận và “anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy để đấu tranh xoá bỏ nền văn hoá nô dịch của địch, xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa để đào tạo con người mới.

5. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nhận thức và quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo… Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc… Nhưng “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra  dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính  trị, an ninh quốc tế”[15].

Tình hình Việt Nam hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”. Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình biển Đông đã và đang trở thành vấn đề thời sự mà dư luận nước ta và thế giới quan tâm theo dõi… Do vậy, một trong những nhân tố cốt lõi, xuyên suốt để bảo vệ vững chắc Tổ quốc là phải tăng cường quốc phòng, an ninh. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.[16]

Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh.

Thứ nhất, giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Đây là quan điểm giữ vị trí hàng đầu, quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chính vì, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng đề ra Cương lĩnh, Chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên trong mọi lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Để đảm đương được vai trò đó, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt của Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đây là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng Việt Nam suốt hơn chín thập kỷ qua. Ngày nay, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có nội dung mới và mối quan hệ mới. Đó là bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, cảnh giác và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thôn tính, xâm lược của các thế lực phản động từ bên ngoài. Giữ vững độc lập chính trị, kiên định đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kiên quyết xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá, gắn kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội với an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, gắn kinh tế nước ta với quá trình hội nhập quốc tế. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước. Đồng thời, luôn nêu cao cảnh giác, đánh bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tạo ra thực lực to lớn, là điều kiện tiên quyết để giữ gìn nền độc lập và chủ quyền quốc gia. Bảo vệ Tổ quốc là điều kiện tất yếu, hàng đầu để thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, là cơ sở để bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng phát huy nội lực, đồng thời, tranh thủ tối đa và khai thác mọi thuận lợi từ bên ngoài; nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Đảng chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”[17], kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo điều kiện cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội được thuận lợi.

Thứ tư, xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”[18]. Phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dụng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân phù hợp với hoàn cảnh mới.Việc xây dựng lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng vì đây là lực lượng tác chiến chủ lực, thường trực, được tổ chức và huấn luyện tốt, được trang bị ngày càng hiện đại. Lực lượng vũ trang là hạt nhân của thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; là đội quân công tác, vận động quần chúng, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, làm thất bại mọi âm mưu gây mất ổn định của kẻ thù trên mọi địa bàn của đất nước. Để hoàn thành vai trò đó, lực lượng vũ trang phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, Nhà nước quản lý, điều hành thống nhất để lực lượng này làm nòng cốt cho quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân.

Thứ năm, quán triệt đường lối độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Đảng chủ trương bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ công cuộc đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thời gian càng trôi đi, giá trị lý luận và thực tiễn căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “Chính trị trọng hơn quân sự” càng trở nên sâu sắc và sáng rõ hơn. Quan điểm này đang được Đảng ta quán triệt và vận dụng sâu sắc để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhân dân và chế độ xã hội, bảo vệ lợi ích và sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhằm xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.


[1] Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2005, tr 163.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 2. Tr.289.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 3. Tr.1.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 14. Tr.608.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 6. Tr.130.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 10. Tr.453.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 3. Tr.539.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t 5, tr.72-73.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t 2, tr.297.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 4, tr. 534.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, Tập 15, tr.593.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 8, tr.387.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 5, tr.556.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011,t. 7, tr,44

[15] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.1, tr. 105

[16] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.1, tr. 156

[17] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.1, tr. 57.

[18] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.1, tr. 156.

TS Vũ Quang Ánh (Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)