Buổi tọa đàm nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024) do Hội CCB tỉnh tổ chức sáng 3.5 có chủ đề “Chín năm làm một Ðiện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Tọa đàm đã khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ qua những tham luận, những câu chuyện xúc động từ những nhân chứng lịch sử của chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” năm xưa.
Ký ức thời hoa lửa
Tham gia buổi tọa đàm có 2 CCB nguyên là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (hiện ở TP Quy Nhơn) gồm: Nguyễn Văn Bản (SN 1931, nguyên Trung đội phó, Đại đội 20, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312) và Nguyễn Công Chức (SN 1935, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308). Tuổi cao, sức khỏe không được tốt bởi di chứng của chiến tranh, nhưng hai CCB vẫn nhớ như in tháng ngày tham gia trận chiến năm xưa.
Là người con của quê hương Hà Nam, năm 20 tuổi, cũng như bao thanh niên yêu nước khác, ông Bản tham gia vào lực lượng Việt Minh và được biên chế vào Đại đội 20. Tham gia nhiều trận đánh, ông dần trưởng thành và được giữ chức vụ Trung đội phó khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ban tổ chức tặng hoa, quà cho 2 chiến sĩ Điện Biên và anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Phúc. Ảnh: H.P
Theo ông Bản, đầu năm 1954, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm Him Lam mở màn cho chiến dịch. Nhận nhiệm vụ đánh Him Lam, Đại đoàn bắt tay ngay vào việc xây dựng trận địa, đào giao thông hào để chuyển lương thực, vũ khí... Địch cũng dự kiến Trung tâm đề kháng Him Lam sẽ là cứ điểm mở màn cho trận đánh của quân ta, nên bố trí lực lượng rất thiện chiến. Để đảm bảo nguyên tắc “trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu.
“Trận đánh Him Lam diễn ra chỉ trong vòng một ngày đêm, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trong trận chiến, có lúc căng thẳng, hiểm nguy đến tột đỉnh nhưng chúng tôi đều có ý chí, niềm tin là phải chiến thắng bằng mưu trí, gan dạ, dũng cảm và nỗ lực cao nhất. Riêng tôi trong trận đánh này bị sức ép bộc phá làm điếc tai trái nhưng vẫn quyết tâm đánh đến khi nào không còn sức”, ông Bản kể lại.
CCB Nguyễn Công Chức nhập ngũ tháng 2.1953 và vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong biên chế của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 anh hùng. Trung đoàn 36 của ông được giao nhiệm vụ tiến vào bao vây địch ở phía Tây, Tây Nam Điện Biên Phủ và đã đánh hàng chục trận ngăn chặn quân địch hành quân thăm dò và chuẩn bị đường liên lạc với Thượng Lào.
Theo ông Chức, các trận chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra rất ác liệt gian nan, hiểm nguy, nhưng không một ai lùi bước, tất cả đều với tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ. “Bởi trước khi được bổ sung vào Trung đoàn 36 tôi đã được tham gia học tập, quán triệt, xây dựng quyết tâm, nhận thức đầy đủ tinh thần, nhiệm vụ của chiến dịch. Dù lực lượng của địch có lớn mạnh hơn quân ta nhiều nhưng quân ta đều quyết tâm đánh hết mình, không sợ chết”, ông Chức chia sẻ.
“Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Các đại biểu trò chuyện với 2 chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Bản (thứ 3 từ trái qua) và Nguyễn Công Chức (thứ 5 từ trái qua). Ảnh: H.P
Trân trọng, biết ơn và tự hào
Ðã 70 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Những tấm gương chiến đấu dũng cảm của thế hệ thanh niên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà luôn là một phần quan trọng trên hành trang của mỗi bạn trẻ trên con đường đi tới. Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lý Anh Việt chia sẻ rằng khi đất nước đã hòa bình, không còn đạn bom, lửa khói, được nghe những ký ức hào hùng của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ tỉnh nhà nói chung và bản thân anh nói riêng đều tự hào, tự nhủ bản thân phải phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.
Ở khía cạnh khác, theo đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là vai trò chủ động, sáng tạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh sẽ vận dụng, phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
“LLVT tỉnh sẽ tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh mọi mặt; nâng cao chất lượng phối hợp nắm, dự báo tình hình, tham mưu xử lý đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả các tình huống ngay từ cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, tạo thuận lợi để phát triển KT-XH địa phương”, đại tá Sơn cho biết thêm.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, khẳng định: Tọa đàm với hơn 10 tham luận từ các đại biểu đã làm sáng tỏ, nêu bật những giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử thời đại của chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Từ ý nghĩa này, chúng ta kế thừa, phát huy, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Qua buổi tọa đàm, Hội CCB tỉnh cũng mong muốn thế hệ trẻ cần tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử hào hùng của cha ông để đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định