CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Tri ân liệt sĩ hy sinh ở Cao điểm 174
Thứ năm 25/04/2024 10:06

“Kể từ hôm nay, các liệt sĩ hy sinh ở Cao điểm 174 sẽ được trở về với đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Với tất cả lòng thành kính và tri ân sâu sắc, chúng ta cùng nguyện cầu cho anh linh các anh được siêu thoát cõi vĩnh hằng. Tổ quốc ta, nhân dân ta mãi mãi ghi công. Tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đời đời bất diệt”...

Trong không khí trang nghiêm, sáng 24.4, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1975 trong trận đánh tại Cao điểm 174.

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.  Ảnh: H.P

Dự lễ có lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng, thuộc Quân khu 1); Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng, cùng thân nhân các liệt sĩ. Về phía tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh...

Nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là chiến trường trọng điểm của Quân khu 5, là nơi đứng chân, hậu cứ của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Xác định được địa bàn chiến lược quan trọng của Bình Định, cuối năm 1965, địch đã tập trung hơn 20.000 quân Mỹ và chư hầu với 500 máy bay các loại, hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh nhằm thực hiện mục đích “tìm diệt” và “bình định”.

Trong đó, Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Nếu ta có được Cao điểm 174 nghĩa là kiểm soát được một địa bàn rộng lớn của huyện Hoài Nhơn, quan trọng là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn và cụm pháo binh phía bắc Đèo Phủ Cũ; ngược lại nếu địch có được Cao điểm 174 sẽ kiểm soát và khống chế toàn bộ phía Bắc huyện Hoài Ân.

Vì vậy, Cao điểm 174 luôn là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Tháng 11.1972, Sư đoàn 3 mở đợt tiến công tiêu diệt địch, làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174. Xét thấy tầm quan trọng của Cao điểm 174, Sư đoàn 3 đã chỉ thị cho Trung đoàn 21 xây dựng hệ thống công sự trận địa hầm hào kiên cố, điển hình là địa đạo 174.

Đến tháng 9.1974, địch tập trung lực lượng gồm Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Liên đoàn biệt động số 4, Liên đoàn biệt động số 6 tập trung đánh chiếm Cao điểm 174, 82, Núi Chéo. Có những ngày, Cao điểm 174 phải gánh chịu hơn 2.000 quả đạn, pháo các loại, 40 lượt máy bay A37 ném bom.

CCB Phạm Ngọc Phàn (70 tuổi, ở TP Hải Phòng, nguyên chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng) nhớ lại: Đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2.1.1975, địch đã huy động tối đa lực lượng pháo binh, máy bay ồ ạt bắn phá tại Cao điểm 174; làm cho các công sự, trận địa của ta bị phá hủy, quân ta bị tổn thất, lực lượng còn lại phải vào địa đạo Cao điểm 174. Đến 11 giờ trưa cùng ngày thì cửa địa đạo phái Bắc bị sập, địch chiếm giữ địa đạo, khống chế và lấp chặt cửa địa đạo phía Nam. Toàn bộ chiến sĩ trong địa đạo bị kẹt lại không ra được, có khoảng 7 - 9 đồng đội của tôi hy sinh.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (trái) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (phải) đưa HCLS về nơi an táng. Ảnh: H.P

Mãi tạc dạ, ghi lòng

Từ nguồn tin CCB Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng cung cấp, đầu tháng 4.2024, Bộ CHQS tỉnh phối hợp cùng huyện Hoài Ân tiến hành huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức tìm kiếm, phát hiện địa đạo 174 (rộng 1,2 m, cao 1,5 m, dài hơn 30 m). Sau đó, các đơn vị đã tổ chức khai quật và quy tập được 7 hài cốt liệt sĩ (HCLS) cùng một số di vật kèm theo như giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn…

Kính cẩn nghiêng mình trước hương linh các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại Cao điểm 174, từng dòng người dâng nén tâm hương với tất cả thành kính, tri ân. Thay mặt lãnh đạo tỉnh thể hiện điếu văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh xúc động: “Sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ tại Cao điểm 174 đã tô thắm thêm vào trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam, những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hương linh các đồng chí mãi mãi “vọng tiền nhân, soi hậu thế”! Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Bình Định hôm nay và mai sau sẽ mãi tạc dạ, ghi lòng”.

Ngay sau lễ truy điệu, đại biểu cùng thân nhân liệt sĩ đã tham gia an táng HCLS vào từng phần mộ. Nhiều đại biểu, các CCB cũng viết vào sổ tang bày tỏ lòng thương tiếc và thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ. Theo đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Bộ CHQS tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai lực lượng để tìm kiếm HCLS tại Cao điểm 174. Ngày 13.4, các lực lượng đã tìm được thêm 1 cửa hầm (hướng Tây Bắc, nhìn về Hoài Nhơn) cùng nhiều vũ khí, đạn dược còn sót lại. Đây là kết quả rất khả quan để tìm được các HCLS còn lại. Đồng thời, sau lễ truy điệu và an táng, Bộ CHQS tỉnh sẽ triển khai việc chứng thực, đối chứng và xét nghiệm ADN 7 HCLS đã được tìm thấy để xác định chính xác danh tính.

Thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Cao điểm 174 bồi hồi, xúc động khi hài cốt của các liệt sĩ được tìm thấy và được tỉnh tổ chức truy điệu, an táng trang trọng. Ảnh: H.P

An yên trong lòng đất mẹ

49 năm trôi qua, hình hài xương thịt các liệt sĩ năm xưa đã hòa quyện cùng mảnh đất Hoài Ân, vào cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc. Có mặt ở buổi lễ, nhiều thân nhân liệt sĩ đã bật khóc khi sau gần nửa thế kỷ mất tung tích người thân.

"Chúng tôi, những thế hệ hôm nay và mai sau xin nguyện sẽ tiếp tục sống xứng đáng và có trách nhiệm hơn nữa đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ; nguyện đem hết tâm sức, trí tuệ và nghị lực của mình làm cho mảnh đất Bình Định thân yêu này mãi mãi xanh tươi, ngày càng phát triển” - Trích lưu bút của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trong sổ tang

Ngay sau khi nhận được thông tin, bà Bùi Thị Lan (ở huyện Thụy Nguyên, TP Hải Phòng - em dâu liệt sĩ Bùi Văn Vàng, Chính trị viên Phó Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng) lập tức lên đường vào Bình Định trong niềm vui khôn xiết. Bà Lan kể, bố mẹ chồng có 3 người con trai thì có 2 người tham gia cách mạng và hy sinh. Trước đây, gia đình cũng đã về Hoài Ân tìm khắp các nghĩa trang liệt sĩ nhưng đều không có dấu tích của liệt sĩ Vàng. “Gần 50 năm qua gia đình tìm kiếm mòn mỏi, chỉ mong được biết anh hy sinh ở đâu. Nay biết chỗ anh nằm, chúng tôi đã mãn nguyện rồi”, bà Lan xúc động nói.

Đứng bên huyệt mộ, ông Nguyễn Văn Hiền (ở tỉnh Nghệ An, em trai liệt sĩ Nguyễn Đình Trung) đã lấy nắm đất từ quê hương rải xuống phần mộ rồi thắp nhang cho anh, cho đồng đội, đồng chí của anh mình. “Từ lúc biết tin tới giờ, gia đình luôn mong ngóng từng ngày có kết quả chứng thực chính xác để đưa anh về đoàn tụ với gia đình. Nhân đây, gia đình tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bình Định đã nỗ lực quy tập và tổ chức lễ truy điệu, an táng chu đáo, trang trọng cho anh trai và đồng đội của anh. Tình cảm này gia đình rất trân trọng và không bao giờ quên”, ông Hiền chia sẻ.                

HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định