Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Ðịnh năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần yêu nước, sự hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân Bình Ðịnh. Ðó còn là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của các lực lượng vũ trang nhân dân, cùng sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Sau khi chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi (3.1975), Đảng bộ tỉnh đã xác định và nắm bắt chính xác thời cơ: Chế độ Sài Gòn đứng trước sự sụp đổ hoàn toàn, tinh thần lực lượng địch tại Bình Định đã hoang mang đến cực độ. Trên cơ sở đó, phát động kịp thời quân và dân toàn tỉnh tham gia tổng tiến công và nổi dậy.
Ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp, quyết định ban hành mệnh lệnh “Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh”. Trong đó nhấn mạnh: “Dồn hết lực lượng địa phương và du kích xã, thôn tổng tiến công vào tất cả đồn bót địch, mà trọng điểm chủ yếu là chi khu, quận lỵ, bắt sống, tước vũ khí, không để một tên chạy thoát”.
Lễ mít tinh Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu
Trong thời khắc lịch sử đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã kịp thời cho thành lập Trung đoàn 92 và Trung đoàn 93 để tạo nên lực lượng đủ mạnh phối hợp tiến công địch ở các mũi Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn.
CCB Ngô Hồng Khánh (83 tuổi, ở TP Quy Nhơn, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 92) nhớ lại: Biên chế của Trung đoàn 92 gồm các đơn vị: Tiểu đoàn 53 (Hoài Nhơn), Tiểu đoàn 55 (Phù Mỹ) và Tiểu đoàn 75 (Hoài Ân). Từ mệnh lệnh của Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định, quân và dân khắp nơi trong tỉnh đồng loạt đứng dậy, đồng tâm, hiệp sức đánh lui kẻ thù. Trong đó, Trung đoàn 92 sau khi thành lập đã tham gia vào nhiều trận đánh ác liệt cùng các lực lượng giải phóng Hoài Nhơn, Phù Mỹ và một phần của huyện Phù Cát.
12 giờ ngày 31.3, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ An Nhơn; nửa tiếng sau, quân dân địa phương giải phóng Tuy Phước, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến vào chiến trường Quy Nhơn. Theo CCB Phan Trọng Thể (93 tuổi, ở TP Quy Nhơn, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 93), khi thành lập biên chế Trung đoàn 93 gồm các đơn vị: Tiểu đoàn bộ binh 50, Tiểu đoàn bộ binh 52, Tiểu đoàn bộ binh 8 và được tăng cường thêm Tiểu đoàn pháo binh 73 cùng một đại đội bộ binh của huyện Phù Cát.
Trưa 31.3, Trung đoàn được lệnh xuất kích và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tỉnh đội, Thị đội và du kích các xã vùng ven tấn công vào TX Quy Nhơn. Tiểu đoàn 52 đánh chiếm ngã ba chợ Dinh, cắt đứt đường 19, chiếm kho đạn Đèo Son, nhà ga, nhà đèn, bến xe. Tiểu đoàn 8 đánh chiếm Cảng Quy Nhơn, khu kho quân sự và cùng với Đại đội Đặc công nước 598 đánh chiếm Khu quân sự hải quân địch ở Hải Minh; Tiểu đoàn pháo binh 73 chiếm giữ trận địa pháo 105 và 155 ly của địch ở núi Một, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng yểm hộ cho bộ binh.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tìm hiểu lịch sử tại phòng trưng bày hiện vật kháng chiến chống Mỹ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tối 31.3, Đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30 và Đ20 đánh chiếm Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đến 24 giờ ngày 31.3, toàn bộ đồn chốt, căn cứ, cơ quan địch ở nội thị và ngoại vi Quy Nhơn đều bị ta đánh chiếm. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng tung bay trên nóc Tòa hành chính ngụy quyền, đánh dấu thời điểm lịch sử giải phóng thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Ngay sau đó, cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng bay rợp phố phường và các công sở, xí nghiệp. Hàng nghìn người dân đổ ra các đường phố, hân hoan đón mừng quân giải phóng.
CCB Lê Văn Hương (74 tuổi, ở TP Quy Nhơn, nguyên Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 50) nhớ như in khoảnh khắc cùng đồng đội đánh chiếm Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định. “Khoảnh khắc lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm lên, ai ai cũng vui mừng khôn xiết, người người đều lâng lâng. Từ nay quê hương được giải phóng hoàn toàn!”, ông Hương bộc bạch.
Sau khi Bình Định được giải phóng, Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị. Theo đó, Đảng bộ tỉnh đã động viên quân và dân đóng góp sức người, sức của tới mức cao nhất phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
* * *
Với nhiều chiến thắng vang dội, cuối cùng là mốc son 31.3.1975, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã góp phần xuất sắc cùng Đảng bộ, quân, dân các tỉnh phía Nam, cùng cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong niềm hân hoan vô bờ bến của người dân. Đồng thời, kết thúc vẻ vang hành trình 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bắt đầu từ cách mạng Tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất, đưa cả nước tiến lên CNXH.
Sau 28 ngày đêm, từ ngày 4 - 31.3.1975, dồn dập tiến công, liên tục nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phối hợp với Sư đoàn 3 anh hùng, quân và dân Bình Định đã đánh sụp toàn bộ ngụy quyền địch từ xã đến tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân. Chiếm lĩnh hầu như nguyên vẹn các thị trấn, quận lỵ và thị xã, căn cứ quân sự, kho tàng, công trình công cộng, giải phóng hơn 932 nghìn dân. Hơn 72.000 tên địch bị tiêu diệt và bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ta diệt và làm tan rã Sư đoàn 22, một thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 6 tiểu đoàn pháo binh, 1 trung đoàn không quân; quân địa phương gồm 20 tiểu đoàn, 25 đại đội bảo an, biệt kích và cảnh sát; 6 đại đội, 420 trung đội dân vệ, hơn 10.000 thanh niên chiến đấu, phòng vệ dân sự bị tiêu diệt và tan rã. Diệt, bức rút, bức hàng 469 chốt, trong đó có 180 chốt do quần chúng tiến công. Thu 20.000 súng các loại, có 47 pháo hạng nặng, 40 máy bay (có 20 máy bay phản lực), 200 xe quân sự (có 16 xe tăng và xe bọc thép). |
HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định