CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Công đoàn phải sâu sát cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm
Thứ tư 03/01/2024 07:09

Ngày 2.1, Ban Chấp hành LÐLÐ tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị đặt ra nhiều vấn đề, định hướng cần quan tâm, nỗ lực thực hiện trong thời gian tới.

Dự và phát biểu tại Hội nghị có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Khó khăn, hạn chế trong phát triển đoàn viên

Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, trong năm 2023, phong trào công nhân, viên chức lao động và hoạt động các cấp công đoàn có nhiều kết quả nổi bật; thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Bích Thủy, trong năm 2023, cả tỉnh đã thành lập mới 35 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 33 CĐCS thuộc khu vực DN ngoài nhà nước, 18 CĐCS có từ 25 lao động trở lên, đạt 120% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

Tuy vậy, bà Thủy cho biết: Kết quả kết nạp đoàn viên mới chỉ đạt 8,76% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Hiện toàn tỉnh có 1.592 CĐCS với 87.737 đoàn viên trên tổng số hơn 117,6 nghìn công nhân, viên chức, lao động.

Năm 2024, Công đoàn tỉnh đặt ra các chỉ tiêu: Phát triển thêm 20.000 đoàn viên công đoàn. Thành lập 100% công đoàn cơ sở ở DN ngoài khu vực nhà nước có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 55% DN ngoài khu vực nhà nước có từ 20 lao động trở lên thành lập tổ chức công đoàn.

Nhiều băn khoăn, lo ngại từ các chỉ tiêu này, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phù Mỹ Nguyễn Việt Cường cho biết: Trong năm 2023, LĐLĐ huyện Phù Mỹ chỉ phát triển được thêm 2/4 CĐCS theo chỉ tiêu giao; phát triển được 222 đoàn viên nhưng lại giảm 348 đoàn viên do DN khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên lao động mất việc. 

Còn bà Bùi Thị Tuyết Hoa, Chủ tịch LĐLĐ TX An Nhơn, cho rằng: Chỉ tiêu phát triển tăng thêm 20.000 đoàn viên khó hoàn thành trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, các DN lớn có đông lao động càng ngày càng ít hơn....

Theo ông Tô Hồng Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra (LĐLĐ tỉnh), việc giao số lượng phát triển đoàn viên trên là từ các căn cứ, dự báo tình hình phát triển DN, đoàn viên trên địa bàn tỉnh thời gian tới, trong đó có theo các chỉ đạo, phân bổ của cấp trên. Đồng thời, trong Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn tỉnh nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng đã đặt ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ cả tỉnh có 188 nghìn đoàn viên công đoàn. Hiện mới có 87.737 đoàn viên, nên cần phát triển thêm 100 nghìn người trong hơn 4 năm tới.

Xác định đối tượng, nhiệm vụ trọng tâm theo thực tiễn

Dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trao đổi, phân tích các vấn đề Công đoàn tỉnh cần quan tâm thời gian tới. Trong đó, đồng chí đặc biệt lưu ý hoạt động công đoàn phải hướng đến trọng tâm là công nhân, lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là trong DN; cần phải nắm chắc số liệu, tình hình hoạt động DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, việc làm và đời sống của công nhân, lao động...

Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (ngoài cùng bên phải) và đồng chí  Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (ngoài cùng bên trái) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các công nhân, lao động, cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc từ năm 2018 - 2022. Ảnh: H.THU

Đồng chí Lê Kim Toàn chỉ đạo: Đây là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn các cấp, Công đoàn tỉnh cần nhìn lại nhiệm kỳ qua để hướng tới, bắt đầu làm lại một cách căn cơ, bài bản. Ngay từ bây giờ, LĐLĐ tỉnh phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai khảo sát lại, thống kế số lượng DN, cơ sở sản xuất, công nhân, lao động và tình hình hoạt động ở từng địa bàn, có địa chỉ cụ thể. Việc này thực hiện tập trung quyết liệt để trong quý I/2024 phải xong, số liệu phải chính xác.

Sau khi khảo sát, căn cứ vào nghị quyết đại hội công đoàn các cấp, cần xây dựng lộ trình cụ thể hóa thực hiện trong 5 năm trên từng lĩnh vực. Tuy nhiên, không được phép “chia bình quân” trong 5 năm, mà phải căn cứ tình hình cụ thể để xác định thực hiện nhiều hay ít hơn theo từng năm.

Xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên phù hợp với thực tế dựa vào số liệu công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh, dự báo số lượng DN tăng trưởng trên địa bàn tỉnh... một cách bài bản, có cơ sở và phù hợp thực tiễn. Từ đó, có thể xem xét hạ thấp chỉ tiêu phát triển đoàn viên trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2023 -  2028.

Đồng chí Lê Kim Toàn yêu cầu xây dựng kế hoạch phát triển tổ chức và đổi mới hoạt động Công đoàn tỉnh theo hướng sâu sát công đoàn cơ sở, nắm chắc tình hình thực tế và lấy người lao động làm trung tâm.

“Năm 2024 dự báo tiếp tục khó khăn, nhưng càng khó khăn thì tổ chức công đoàn càng phải đổi mới hoạt động cho phù hợp, có chiều sâu hơn để thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với DN, người lao động. Rất mong các tổ chức Công đoàn trong tỉnh với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và trong năm 2023, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế và duy trì tổ chức các hoạt động đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới”, đồng chí Lê Kim Toàn nói. 

Chuyển từ “chăm lo” sang “đại diện”

Dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân lưu ý, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định chuyển trọng tâm hoạt động Công đoàn Việt Nam từ “chăm lo” sang “đại diện” bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (thứ 5 và thứ 6 từ phải sang) trao Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho các cá nhân.  Ảnh: H.THU

Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân đề nghị các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn, tập trung cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.

Trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân đề nghị Công đoàn tỉnh chú trọng 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các DN ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại DN ngoài khu vực nhà nước.

Liên quan đến vấn đề phát triển đoàn viên, theo đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, năm 2028 có 15 triệu đoàn viên công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề trong thống kê số liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, còn “chưa khớp và chưa ổn”, chưa sát với thực tiễn, nên Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ mới “tạm giao” chứ chưa phải giao số lượng chính thức. Trước mắt, các cấp công đoàn trên tinh thần quyết tâm chính trị để nỗ lực thực hiện.

Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân cho biết: Sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ thành lập các đoàn công tác về làm việc cụ thể với các tỉnh, thành để cùng với cấp ủy, công đoàn các cấp trao đổi, xem xét lại các số liệu thống kê về tổ chức công đoàn, đoàn viên ở địa phương có đúng với thực tế hay chưa. Qua đó, có cơ sở báo cáo, đề xuất Ban Bí thư, Bộ Chính trị để có những định hướng, biện pháp, giải pháp cụ thể trong xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam phù hợp với thực tế.

HOÀI THU  - Nguồn Báo Bình Định