CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Kỷ niệm 50 năm nữ tù binh trại giam Phú Tài chiến thắng trở về (1973 - 2023) Kiên trung, bất khuất, nghĩa tình, thủy chung
Thứ sáu 13/10/2023 10:58

“Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận... phải đấu tranh đến hơi thở cuối cùng”. Xin được mượn những câu nói trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky để nói về những nữ tù binh Trại giam Phú Tài - những người với tấm lòng trung kiên và tinh thần bất khuất đã hằng ngày, hằng giờ ngoan cường chiến đấu, chống lại âm mưu thâm độc của địch trong Trại giam Phú Tài, tạo nên khúc tráng ca hào hùng.

Khoảng tháng 5.1967, chính quyền Mỹ - ngụy cho xây dựng nhà tù Phú Tài (nay thuộc địa bàn phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) để dồn gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng từ các trại giam trên khắp miền Nam về đây giam giữ, tra tấn. Ðây là trại giam nữ tù binh duy nhất ở Việt Nam, cũng là nơi minh chứng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Các cựu nữ tù về thăm lại di tích lịch sử Trại giam tù binh Phú Tài và chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài vào tháng 5.2022.   Ảnh: H.P    

Kiên trung, bất khuất

Nói về tội ác của bọn quản ngục và tay sai tại Trại giam Phú Tài, cựu nữ tù Nguyễn Thị Khuya (SN 1944, hiện sống ở tỉnh Khánh Hòa) rùng mình nhớ lại: Các chị em đều bị địch bỏ đói, bỏ khát, ăn mặc rách rưới. Chúng cho chị em ăn toàn gạo mục nát, sâu mọt, cá ươn, thối... Có đợt, hơn nửa năm, địch bắt các chị em phải uống nước giếng cách nghĩa địa không đầy 100 m, nước đen và tanh mùi nhớt cá. Đồng thời, chúng còn tiến hành đàn áp dã man, ngày nào cũng có vài chục chị em bị đánh đập vô cớ, tiếng gào thét phản đối, máu vương vãi cả trại giam.

“Ngay khi đặt chân xuống trại giam, các nữ tù đã bắt đầu cuộc đấu tranh trực diện, chống âm mưu đưa vào trại chiêu hồi (trại 1) và đòi vào trại tù binh (trại 2). Các cuộc đấu tranh của chị em diễn ra liên tục, quyết liệt. Quá trình ấy, chị em chịu đựng biết bao gian khổ, bị nhốt vào biệt giam, chuồng cọp để giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu này”, bà Khuya kể.

Nhắc về ký ức ở nơi hỏa ngục, cựu nữ tù Lê Thị Việt Lan (SN 1949, hiện ở tỉnh Bình Dương) đọc mấy câu thơ của người bạn tù Nguyễn Thị Thanh Tùng (TP Hồ Chí Minh): “Miền Nam ơi có nghe chăng tiếng thét/Trong trại tù đang bóp nghẹt cháu, con/Giấc ngủ, giờ ăn dồn dập mưa đòn”, rồi rưng rưng kể: “Những lần tôi vượt ngục không thành công, hay không chịu ký giấy chiêu hồi hoặc kiên quyết không chào cờ ba que đều bị địch bắt đi tra tấn, hành hạ đến liệt cả chân. Tuy thân xác bị bầm dập nhưng niềm tin thì vẫn sáng mãi, kiên quyết đấu tranh, không chịu khuất phục”.

Trong số gần 1.000 nữ tù của 30 tỉnh, thành bị giam giữ tại Trại giam nữ tù binh Phú Tài, Bình Định có gần 300 người. Dù tay không tấc sắt, cùng với các nữ tù binh cả nước, nữ tù binh Bình Định đã anh dũng chiến đấu chống lại chế độ lao tù độc ác của địch; giữ vững phẩm chất, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Dù địch dùng đủ hình thức từ kiểu trung cổ đến hiện đại để tra tấn vẫn không thể làm lung lạc tinh thần của các nữ tù binh Phú Tài. Đặc biệt, tổ chức Đảng đã được thành lập trong trại giam để lãnh đạo phong trào đấu tranh. Ngày 19.8.1968, Đảng ủy trại giam Phú Tài biệt hiệu “BK” (bất khuất) ra đời; Ban Chấp hành có 7 người do đồng chí Nguyễn Thị Quyết (tức Tám Chỉ, SN 1935, hiện ở TP Quy Nhơn, Bình Định) làm Bí thư. Từ sự ra đời của Đảng ủy BK, các tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Quyết tử và Đội Xung kích… được thành lập, thực hiện thành công mục tiêu nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng và xây dựng mặt trận chống địch trong trại giam.

Bà Quyết chia sẻ: “Ngày thành lập Đảng bộ, không có cờ Đảng, các chị em dùng một vuông vải trắng và chỉ xanh đỏ vàng để tượng trưng cho cờ Đảng. Các chị em dùng máu nhỏ vào vải trắng cùng thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chị em luôn giữ vững khí tiết, kiên cường đấu tranh, đập tan âm mưu thâm độc của địch cho đến khi giành thắng lợi cuối cùng”.

Gương mẫu, cống hiến xây dựng quê hương

Tròn 50 năm trôi qua, những cựu nữ tù binh Phú Tài chưa bao giờ quên khoảnh khắc được tự do (ngày 15.2.1973 tại sân bay Lộc Ninh - Bình Phước, sau Hiệp định Paris, phía Mỹ thực hiện trao trả tù binh) để về với cách mạng, với nhân dân.

Nhớ về hồi ức này, cựu nữ tù Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1948, hiện ở TP Hồ Chí Minh) kể: “Khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Lộc Ninh, có một rừng cờ, băng rôn và hàng trăm đồng bào, đồng chí vùng giải phóng hô vang khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng những chiến sĩ chiến thắng trong lao tù Mỹ - ngụy trở về!”. Chúng tôi nghẹn ngào òa khóc vì vui sướng. Chúng tôi từ cõi chết nay lại được trở về với đồng bào, đồng chí của mình. Tôi thấy mình có quyền tự hào vì đã trải qua trận chiến của mặt trận lao tù không kém phần ác liệt, mà không chết cả về thể xác lẫn tâm hồn để nguyên vẹn trở về”.

Tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.  Ảnh: H.P

Sau sự kiện này, các nữ tù trở về địa phương tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Sau ngày giải phóng, nhiều người tham gia công tác trong các cơ quan, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội; trở thành doanh nhân, chủ DN. Cũng có những người phải mang thương tật, tàn phế suốt đời; sức khỏe yếu nên quẩn quanh với ruộng đồng. Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng luôn giữ khí phách, phẩm chất, đạo đức cách mạng của những nữ tù binh Trại giam Phú Tài năm xưa.

Trong đó, đã có 3 cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài được bầu làm ĐBQH, 1 chị được tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, 4 chị được tặng huân chương Lao động hạng 3... Đặc biệt, ngày 1.9.2020, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài, tỉnh Bình Định.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Trưởng Ban liên lạc nữ tù binh Trại giam Phú Tài, các chị em trong Ban Liên lạc cũng luôn giữ thông tin với nhau để động viên, quan tâm giúp đỡ các chị có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như vận động xây dựng nhà tình nghĩa; giúp đỡ, tạo việc làm cho con em của cựu nữ tù binh. Đồng thời, quyên góp tiền gây quỹ cho Ban Liên lạc Cựu nữ tù binh các tỉnh, thành phố để có nguồn kinh phí hoạt động.

HỒNG PHÚC - nguồn Báo Bình Định