CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Quốc phòng - An ninh
Kiên quyết đấu tranh và triệt phá tội phạm cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt tài sản
Thứ sáu 10/01/2020 20:49
Trong những năm qua, tình hình đối tượng giang hồ đòi nợ bằng các hình thức khủng bố, bắt cóc… ngày một gia tăng trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhất là địa bàn thành phố Quy Nhơn và các địa phương lân cận. Hiện tượng các đối tượng dùng chất bẩn, sơn màu tạt vào cửa nhà thân nhân của con nợ để gây sức ép đòi trả nợ đã gây hoang mang, khiếp sợ cho nhiều người.

Phần lớn những trường hợp này, người đi vay không có khả năng thanh toán nên đã bỏ trốn, chủ nợ khủng bố gia đình, người thân để gây sức ép. Đằng sau những vụ việc này chính là vấn đề cho vay lãi nặng núp bóng các loại hình dịch vụ tài chính cá nhân (tín dụng đen) với nhiều phương thức, thủ đoạn, như: mở Công ty "Hỗ trợ tài chính", dịch vụ cầm đồ... Các đối tượng này hầu hết ở các tỉnh phía Bắc vào, cấu kết với các đối tượng hình sự ở địa phương, tổ chức phát, dán tờ rơi trên các trụ điện, tường nhà, quảng cáo trên mạng xã hội... với những nội dung "Cho vay không cần thế chấp, chỉ cần CMND, hộ khẩu, nhận tiền ngay" kèm theo số điện thoại liên lạc. Đối tượng vay chủ yếu là những hộ buôn bán nhỏ lẻ, các tiểu thương ở các chợ, các đối tượng ăn chơi, cờ bạc có nhu cầu cần tiền, cần vốn làm ăn nhưng không đến ngân hàng vay vì không đủ điều kiện thế chấp, thủ tục rườm rà, sợ người thân biết... Khi vay tiền, bọn chúng thỏa thuận với mức lãi suất cao hơn nhiều lần so với quy định của Nhà nước để thu lợi nhuận bất chính, tuy nhiên chứng từ thể hiện thì chỉ là giấy mượn, bán xe, thuê xe… để lẩn tránh pháp luật. Khi người vay không có tiền trả lãi, gốc hay trả chậm thì nhóm đối tượng này gọi điện hăm dọa, theo dõi, thường xuyên túc trực tại nhà riêng hoặc nơi làm việc của con nợ gây ồn ào, dùng vũ lực, hung khí để đòi nợ đã gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho xã hội như: Cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Trước tình hình trên, sau thời gian nghiên cứu thủ đoạn hoạt động của đối tượng, đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp Công an huyện Tuy Phước và Công an thị xã An Nhơn kiểm tra, phát hiện 08 đối tượng có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát nhanh, bán vé máy bay. Đó là các đối tượng từ Hà Nội vào Tuy Phước và An Nhơn, cấu kết với các đối tượng tại địa phương cho vay nặng lãi. Từ 11/2018 đến 01/2019, nhóm đối tượng này đã cho vay nặng lãi hơn 470 lượt với tổng số tiền gần 6,4 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Nhận thấy đây là loại tội phạm nguy hiểm, mới xuất hiện nhưng gây rất nhiều hệ lụy về ANTT và có dấu hiệu mở rộng địa bàn về vùng nông thôn, miền núi. Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 673/KH-CAT-PV01, ngày 30/7/2019 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương đã tăng cường trao đổi thông tin, rà soát, nắm tình hình các băng nhóm, đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê đang hoạt động trên địa bàn; qua đó phát hiện có khoảng 12 công ty, 11 cơ sở kinh doanh hoạt động trá hình để cho vay; 08 nhóm hoạt động cho vay lãi nặng; 127 cá nhân hoạt động cho vay riêng lẻ; tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn... Trên cơ sở đó, đã tiến hành gọi hỏi răn đe, yêu cầu tự tháo dỡ bảng hiệu, ngừng hoạt động kinh doanh liên quan tài chính có nghi vấn, rời khỏi địa phương; đồng thời củng cố chứng cứ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Năm 2019, Công an toàn tỉnh đã phát hiện, khởi tố 12 vụ với 31 bị can (06 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 02 vụ bắt giữ người trái pháp luật; 02 vụ cố ý gây thương tích, 01 vụ hủy hoại tài sản, 01 vụ cưỡng đoạt tài sản); xử lý hành chính 05 trường hợp với 10 đối tượng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen" vẫn gặp một số khó khăn, đó là: (1)Các đối tượng cho vay hoạt động có phần công khai nhưng kín đáo về mức lãi suất hoặc có thỏa thuận riêng với người vay, con nợ luôn bị ép buộc viết giấy nhận nợ (vay không lãi suất, số tiền ghi trong giấy đã tính luôn tiền lãi); (2)một số đối tượng ở địa phương khác đến địa bàn hoạt động cho vay hoặc cấu kết với các đối tượng hình sự tại địa phương cho vay với nhiều hình thức trá hình, thủ đoạn rất tinh vi gây khó khăn trong công tác phát hiện, thu thập chứng cứ; (3)hệ thống văn bản pháp luật để xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi theo kiểu "tín dụng đen" chưa được chặt chẽ, khó thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng; (4)những người vay tiền phần lớn là các đối tượng tham gia tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy... nên không có điều kiện để trả lãi và gốc, mặt khác sợ bị xử lý theo pháp luật nên không dám đứng ra tố giác. Ngoài ra, một số người thân là cán bộ công chức, gia đình có nề nếp sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, gia đình nên cũng không dám tố giác tội phạm, làm cho công tác thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ để xử lý rất khó khăn...

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", Công an tỉnh xác định: phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có liên quan đến "Tín dụng đen" nhằm nâng cao nhận thức nhân dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; tiếp tục triển khai thực hiện rộng rãi Chỉ thị số 52-CT/TU ngày 25/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XIX) về triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân cam kết không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen" trái với pháp luật, mạnh dạn tố giác các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê với các cơ quan chức năng để xử lý hiệu quả.

 Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp phải chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động cho vay lãi nặng, "tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, núp bóng doanh nghiệp vi phạm pháp luật, nhất là các băng nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động bảo kê, xiết nợ, đòi nợ thuê... Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở nhiều lần vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" trên địa bàn; thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, quản lý chặt các cơ sở dịch vụ tài chính, cầm đồ, cho thuê xe… nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm.

Xác định tình trạng cho vay nặng lãi trong nhân dân hiện nay là nguyên nhân phát sinh nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự, bất ổn xã hội, gây ra những hệ lụy xấu. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, giải quyết ngay từ gốc, đảm bảo an sinh xã hội, tập trung phát triển các kênh tín dụng chính thức, tạo điều kiện cho người dân vay vốn. Đặc biệt, bên cạnh việc giáo dục, nhắc nhở con em, thì các bậc phụ huynh nên mạnh dạn, kiên quyết tố giác với cơ quan công an về sự việc xảy ra, tránh tình trạng che dấu, âm thầm trả nợ thay cho con em mình, như vậy, sẽ càng làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn, con em ỷ lại sẽ tiếp tục vay mượn, còn đối tượng cho vay thì có rất nhiều thủ đoạn không lường được./.

Trần Minh Phục