Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh THPT của Sở Tư pháp thời gian qua được đổi mới trong cách tiếp cận, truyền đạt kiến thức. Qua những tình huống thực tiễn, vấn đề thiết thực, các chương trình đã tạo không khí sôi nổi, hứng khởi cho học sinh, giúp nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật trong nhà trường.
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh THPT năm nay của Sở Tư pháp khởi động với 3 buổi tuyên truyền tại 3 trường ở huyện Phù Cát, gồm Trường THPT số 1 Phù Cát, Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo và Trường THPT Ngô Mây, lần lượt diễn ra từ ngày 12 - 19.4.
Hào hứng, sôi nổi
Theo bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), nội dung các chương trình lần này tiếp tục xoay quanh những vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến các em trong đời sống, học tập. Tuy nhiên, khi hỏi đáp, tranh luận, cũng như thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức rung chuông vàng, các câu hỏi đặt ra sẽ bám sát thực tiễn và mang tính thời sự, tạo sự lôi cuốn để các em tích cực tìm hiểu, tư duy.
Khá bất ngờ khi nhiều bạn xung phong trả lời nhưng không đưa ra đáp án chính xác cho câu hỏi điều kiện về độ tuổi kết hôn, em Cai Hoàng Khang (lớp 10A8, Trường THPT số 1 Phù Cát) chia sẻ: “Trước giờ chúng em biết nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi thì được phép kết hôn mà chưa ý thức rằng cách tính tuổi đủ điều kiện ở đây là phải đủ ngày, đủ tháng chứ không phải lấy năm kết hôn trừ đi năm sinh là được. Qua chương trình, em cũng hiểu được vì sao luật quy định chặt chẽ như vậy”.
Hay tình huống liên quan đến kết hôn ở người đồng giới cũng thu hút nhiều sự quan tâm. “Ngoài kiến thức, câu hỏi này cũng giúp em rèn khả năng lập luận, tư duy. Vì luật đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa người cùng giới, nhưng họ cũng không được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật”, em Đoàn Trọng Nhân (lớp 11A4, Trường THPT số 1 Phù Cát) bày tỏ.
Tương tự, vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình cũng được học sinh các trường thảo luận khá sôi nổi. Em Nguyễn Thị Thu Vân (lớp 12A8, Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo) cho biết, trước đây em từng nghĩ bạo lực gia đình là đánh đập, hành hạ thể xác. Nhưng giờ em ý thức được lời nói cũng có thể gây tổn thương, thậm chí các thành viên không nói gì với nhau suốt thời gian dài gây áp lực về tâm lý cũng là bạo lực gia đình.
“Chúng em được nói lên suy nghĩ, hiểu biết pháp luật của bản thân về những sự việc mình gặp phải, chứng kiến hằng ngày. Trả lời đúng một câu hỏi, em được phần thưởng là cuốn sổ và 2 cây bút. Những dòng nhật ký đầu tiên mà em viết trong cuốn sổ này chính là việc tham gia chương trình hôm đó - buổi tuyên truyền pháp luật ấn tượng nhất đối với em trong suốt 12 năm học”, Thu Vân tâm sự.
Ông Phạm Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Mây (huyện Phù Cát) cho biết, trường hiện có 24 lớp với hơn 1.000 học sinh, trong đó vẫn còn một số em ý thức chấp hành pháp luật hạn chế. Năm 2024, trường có 6 học sinh vi phạm pháp luật về giao thông được cơ quan chức năng phát hiện, thông báo. Vì vậy, chương trình này có ý nghĩa rất lớn khi tạo sân chơi bổ ích, góp phần hình thành thói quen chấp hành pháp luật cho học sinh.
Thi rung chuông vàng tại chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trường THPT số 1 Phù Cát vào ngày 12.4. Ảnh: N.C
Lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật
Em Hà Ngọc Tú (lớp 11A5, Trường THPT Ngô Mây) chia sẻ, sau khi trường có thông báo về cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2025 do Sở Tư pháp tổ chức, em đã thử sức ngay trong ngày đầu tiên diễn ra. Đề thi có 20 câu, làm trong vòng 15 phút, em đã trả lời đúng 17 câu. Kết quả không như kỳ vọng nhưng em thấy khá thú vị khi biết thêm nhiều kiến thức pháp luật mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), trước khi tổ chức các chương trình, đơn vị đã gửi tài liệu hướng dẫn tham gia cuộc thi về các trường để phổ biến cho học sinh. Tại các chương trình, báo cáo viên pháp luật tiếp tục vận động, cổ vũ, hướng dẫn các em tham gia.
Việc lan tỏa cuộc thi cũng là điểm mới trong chuỗi hoạt động phổ biến pháp luật năm nay. Với hình thức thi khá đơn giản, giải thưởng hấp dẫn, cuộc thi diễn ra từ ngày 15.4 đến nay đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh toàn tỉnh, trong đó tại 3 trường nói trên đã có hơn 500 em tham gia.
Bà Châu Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho hay chuỗi hoạt động này là hoạt động hằng năm và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Sở Tư pháp trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bình Định đến năm 2030 của UBND tỉnh.
“Cùng với các hoạt động tuyên truyền do ngành giáo dục và các trường triển khai, chương trình của Sở Tư pháp góp phần vun đắp kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, chuẩn bị hành trang cho các em trên bước đường tương lai. Từ việc sống, học tập và làm việc theo pháp luật, bản thân các em sẽ là những tuyên truyền viên, hòa giải viên trong mỗi gia đình, trường lớp, khu dân cư, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng”, bà Lan chia sẻ.
NGUYỄN CHƠN - Nguồn Báo Bình Định