Trung tá Nguyễn Đức Toàn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phù Cát, chia sẻ: "Chúng tôi thực hiện nghiêm túc các văn bản của cấp trên về công tác phòng, chống dịch; vừa tổ chức chặt chẽ trong đơn vị, vừa làm nòng cốt, tích cực tham gia dập dịch trên địa bàn. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo Ban CHQS các xã, thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lên các phương án cụ thể, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm 4 tại chỗ để phòng, chống dịch theo tình hình của từng địa bàn".
Ban CHQS huyện Phù Cát phối hợp với các ngành, đoàn thể ở huyện tổ chức "Gian hàng 0 đồng" hỗ trợ người dân xã Cát Tường. Ảnh: H.P
Toàn huyện Phù Cát đã thành lập 69 chốt phòng, chống dịch, có 170 dân quân tham gia trực. Ngoài ra, còn có 415 dân quân tham gia các Tổ Covid-19 cộng đồng trong tổng số 1.066 tổ tại các xã, thị trấn. Lực lượng này đã tham gia hiệu quả trong công tác tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là quy định về giãn cách xã hội và cách ly tại nhà.
Ông Đặng Văn Máy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Cát Tường, cho biết: "Lực lượng quân sự của xã đã tập trung phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện triệt để phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc việc giãn cách và quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, chúng tôi cũng huy động 41 dân quân tham gia ứng trực ở 12 chốt phòng, chống dịch để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch".
Công việc trực chốt tại các khu vực bị phong tỏa và làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung tương đối vất vả bởi công việc nhiều và nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, Ban CHQS huyện Phù Cát đã thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, nắm chắc hoàn cảnh của từng đồng chí để động viên, hỗ trợ giúp họ yên tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh Đào Dư (thôn Xuân Quang, xã Cát Tường) dân quân tham gia ứng trực tại chốt, bày tỏ: "Khi nghe có dịch ở địa phương, ai cũng lo lắng. Nhưng nghĩ lại nếu ai cũng sợ, không dám dấn thân thì biết bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường. Mỗi người bỏ một chút công sức, chung tay cùng chính quyền, nhất định sẽ đẩy lùi được dịch bệnh".
Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thành lập 7 khu cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận 2.066 người. Trong đó, có 3 khu đã hoàn chỉnh với năng lực cách ly 584 người. Hiện nay, có 66 công dân đang cách ly ở khu cách ly số 1 (xã Cát Hanh) và khu cách ly số 3 (Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, xã Cát Hưng). Các khu cách ly tập trung này đều do Ban CHQS huyện quản lý và có cơ sở vật chất đầy đủ. Đồng thời, cán bộ Ban CHQS huyện tham gia phục vụ tại đây đều được phân công nhiệm vụ cụ thể và thực hiện hết trách nhiệm để bảo đảm việc cách ly, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Không dừng lại ở đó, với tinh thần tương thân, tương ái, Ban CHQS huyện còn phối hợp với các ngành, đoàn thể ở huyện tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn ở vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Riêng "Gian hàng 0 đồng" tổ chức tại xã Cát Tường và thị trấn Cát Tiến vào ngày 6 và 9.8 đã hỗ trợ 600 suất nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên nhìn nhận: Với tinh thần "Mỗi đơn vị là một pháo đài, mỗi quân nhân, dân quân là một chiến sĩ trong phòng, chống dịch", lực lượng quân sự trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp cùng với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp chốt chặt vòng ngoài, ổn định bên trong nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Huyện cũng đánh giá rất cao việc lực lượng quân đội thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm quân - dân bằng việc chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho các gia đình gặp khó khăn trong mùa dịch.
HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định