CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Quốc phòng - An ninh
Luật Lực lượng dự bị động viên: Ðáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Thứ bảy 29/02/2020 14:04
Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 26.11.2019. Ðây là hành lang pháp lý để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Luật Lực lượng DBĐV mới được thông qua sẽ góp phần nâng cao chất lượng lực lượng DBĐV.

-  Trong ảnh: Một buổi huấn luyện DBĐV.

Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV) gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, quy định về xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng DBĐV. Nội dung Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh về lực lượng DBĐV năm 1996.

Khắc phục nhiều hạn chế

Pháp lệnh về lực lượng DBĐV được Quốc hội khóa IX thông qua ngày 27.8.1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 9.9.1996. Tại Bình Định, sau gần 25 năm thực hiện, các địa phương, cơ quan, đơn vị cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và huy động lực lượng DBĐV. Trong đó, việc đăng ký quản lý quân nhân dự bị (QNDB) được thực hiện theo đúng quy định. Toàn tỉnh đã đăng ký được từ 95% đến trên 98% số QNDB; chế độ thủ tục đăng ký và quản lý phương tiện kỹ thuật được thực hiện nền nếp, đúng quy định. Hàng năm, tỷ lệ sắp xếp chỉ tiêu về quân số ở các địa phương đều đạt trên 95%, một số đơn vị đạt 100%; chất lượng đơn vị DBĐV ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra hàng năm đều bảo đảm số lượng, chất lượng.

Theo đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, qua thực tế triển khai pháp lệnh tại tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như: Nguồn QNDB tuy nhiều nhưng phân bố không đều; việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn; chất lượng sĩ quan dự bị thấp. Ngoài ra, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV. "Xây dựng lực lượng DBĐV là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Luật Lực lượng DBĐV được Quốc hội thông qua đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng LLVT trong tình hình mới, trong đó có lực lượng DBĐV. Từ đó sẽ góp phần xây dựng lực lượng DBĐV ngày càng hùng hậu, chất lượng cao", đại tá Hải nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh khẳng định: "Luật mới thông qua đã khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Pháp lệnh Lực lượng DBĐV, nâng cao chất lượng lực lượng DBĐV, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh; xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện".

Phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Theo đại tá Trần Thanh Hải, Luật Lực lượng DBĐV đã kế thừa Pháp lệnh về lực lượng DBĐV, song đã quy định rõ các nội dung, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm cho xây dựng và huy động lực lượng DBĐV. Quy định và làm rõ đối tượng lập kế hoạch; hướng dẫn lập kế hoạch; thẩm định và phê chuẩn kế hoạch; điều chỉnh kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính trong xây dựng lực lượng DBĐV. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để lập kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV được tổ chức trên thực tiễn; có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời bình, khôi phục lực lượng thời chiến khi có chiến tranh. 

Hay như để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, động viên QNDB yên tâm đi làm nhiệm vụ, Điều 40 của Luật đã được chỉnh lý cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nơi QNDB đang lao động, học tập, làm việc phải có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho QNDB tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho QNDB khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.

Thượng tá Võ Đức Thứ, Trưởng ban Quân lực (Bộ CHQS tỉnh), cho biết: Năm 2019, sắp xếp QNDB toàn tỉnh đạt 98,3%, phương tiện kỹ thuật đạt 99,1%, tỷ lệ đảng viên đạt 8,8%. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện, song cũng có không ít nơi chưa tạo điều kiện cho QNDB thực hiện nghĩa vụ khi có lệnh. Do đó, dẫn đến việc huy động QNDB trong các đơn vị này để tập trung diễn tập, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu rất khó khăn. "Luật mới đã làm rõ việc phát huy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị các cấp và cơ quan tham mưu trong lập kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV. Điều này rất phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra, khắc phục được tình trạng "khoán trắng" cho cơ quan quân sự như lâu nay", thượng tá Thứ bày tỏ.

Nguồn Báo Bình Định