Thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về CCCD và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.
Cán bộ, chiến sĩ CA đang thực hiện các bước thu nhận hồ sơ CCCD cho các đồng chí cán bộ, lãnh đạo tỉnh.
Triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD
Những công dân đầu tiên của tỉnh được thực hiện thu nhận hồ sơ CCCD là đại diện lãnh đạo tỉnh, là những đại biểu sẽ tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới. Các bước thu nhận thông tin, gồm các thông tin cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi đăng hộ khẩu thường trú, đặc điểm nhận dạng; thu nhận vân tay lăn và chụp ảnh thẻ CCCD..., được thực hiện thông qua đường truyền và tiến hành khá nhanh chóng.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ chia sẻ: "Tôi rất phấn khởi vì mình là một trong những cá nhân được thu nhận thông tin CCCD đầu tiên của tỉnh. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, là xu hướng tất yếu trong phát triển xã hội hiện nay". Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi cũng cho biết: "Quy trình thực hiện khá đơn giản, chỉ mất tầm 4 - 6 phút là xong việc thu nhận thông tin, chụp ảnh và thu nhận vân tay. Thẻ CCCD có gắn chíp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin".
Theo kế hoạch, những ngày đầu thực hiện thí điểm thu nhận hồ sơ CCCD, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh sẽ tiến hành thu nhận thông tin CCCD đối với cán bộ, công chức nhà nước, LLVT, không kể ngày tết hay ngày nghỉ. Theo đó, từ ngày 31.12.2020 đến ngày 3.1.2021, đơn vị đã thu nhận hồ sơ của 103 cá nhân là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và cán bộ, công chức đang công tác ở các phòng, ban trực thuộc.
Thượng tá Huỳnh Thị Bích Liên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh, cho biết: "Hiện đơn vị đã được Bộ CA cấp 2/24 bộ máy để thu nhận thông tin. Trước mắt, đơn vị tiến hành thu nhận hồ sơ lưu động, trên tinh thần "dễ làm trước, khó làm sau". Sau khi được Bộ CA cấp đủ máy, đơn vị sẽ triển khai về các địa phương, phấn đấu đến ngày 30.6.2021 sẽ cấp xong CCCD có gắn chíp cho khoảng 1,3 triệu người từ đủ 14 tuổi trở lên chưa có mã định danh cá nhân. Hiện CA tỉnh đã thành lập 36 tổ công tác lưu động tại các huyện, thị xã và thành phố để thực hiện việc thu nhận hồ sơ CCCD cho người dân trên địa bàn tỉnh".
Nhiều tiện ích với CCCD gắn chíp
Theo đánh giá, việc thu thập thông tin cá nhân hiện tại có chút khó khăn trong khâu lăn tay cảm biến, do nhiều người có đường vân mờ, tay ra mồ hôi, khiến máy nhận dạng chậm. Để khắc phục, đơn vị sẽ kiến nghị đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng cải tiến thiết bị kỹ thuật, nâng cao khả năng nhận dạng để quy trình thu thập dữ liệu diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn và đảm bảo thời gian cấp thẻ CCCD cho công dân đúng quy định.
Được biết, dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chíp khác với CCCD hay chứng minh nhân dân loại có 12 số hiện hành. Với chíp điện tử được tích hợp đầy đủ thông tin, người dân khi thực hiện các giao dịch và làm thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng CCCD.
Thượng tá Liên cho biết: "Thẻ CCCD gắn chíp có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng khi tiến hành các giao dịch hành chính; giúp việc thực hiện các giao dịch cá nhân nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, rút ngắn thời gian trả - nhận kết quả các dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Chíp gắn trong căn cước không có chức năng định vị, theo dõi công dân. CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm và bổ sung hoặc sửa đổi thông tin... Ngoài ra, dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính".
Trước mắt, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh sẽ tiến hành thu nhận thông tin và cấp CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú tại địa bàn tỉnh, sau đó sẽ tiến hành với các trường hợp tạm trú.
Bài, ảnh: KIỀU ANH - Nguồn Báo Bình Định