CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Quốc phòng - An ninh
Phòng, chống lừa đảo qua mạng: Tuyên truyền có vai trò rất quan trọng!
Thứ hai 01/07/2024 07:06

Thời gian qua, các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng đã gia tăng, người dân trên địa bàn tỉnh bị lừa đảo mất tiền nhiều hơn. Ðể góp phần phòng, chống, cần tăng cường tuyên truyền bám sát thực tế, phù hợp và lan tỏa đến nhiều đối tượng, tập trung vào nâng cao cảnh giác, hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo mới qua mạng xã hội.

Ngày càng có nhiều hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có hình thức cũ nhưng tinh vi hơn, có hình thức mới khi các đối tượng khai thác nhân một thời điểm, sự kiện, hay vụ việc nào đó. Trong đó, việc lừa đảo qua Facebook vẫn là phổ biến nhất. Chẳng hạn, việc hack (chiếm quyền điều khiển) Facebook để giả mạo chủ tài khoản mượn tiền được nhiều người hiểu biết cho rằng là thủ đoạn “xưa như trái đất”, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra nhiều.

Tờ thông tin tuyên truyền “Để phòng chống lừa đảo” được dán trên tường một căn nhà ở đường Hàm Nghi (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). Ảnh: H.THU

Chị Đặng Mai Ngọc Hiền (ở TP Quy Nhơn) có một người bạn bị hack Facebook hỏi mượn tiền, chị đã cảnh giác xác minh lại để không bị lừa đảo. Tuy nhiên, sau đó chị Hiền rất quan tâm tìm hiểu tại sao đối tượng lừa đảo có thể nhắn một số tài khoản ngân hàng lạ nhưng lại mang đúng họ tên thật của bạn chị.

“Ban đầu tôi cho rằng điều này không thể, vì quy định chặt chẽ về giấy tờ của ngân hàng khi mở tài khoản. Thế nhưng, sau khi lên mạng tìm thông tin và hỏi thêm từ một số người đã từng bị lừa vì kiểu lập tài khoản như vậy, tôi rất bất ngờ vì làm được không khó… Thậm chí trên mạng xã hội còn có người đăng công khai là nhận mở tài khoản ngân hàng “ảo” theo họ tên. Đây là thủ đoạn nếu ai không biết rất dễ bị “sập bẫy” lừa đảo qua Facebook”, chị Hiền chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Văn Hải (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn; làm việc trong một DN lĩnh vực công nghệ thông tin), việc bị lừa đảo qua Facebook vẫn phổ biến trước hết do người sử dụng chưa được thông tin, tuyên truyền hiệu quả để hiểu biết  và không tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.

“Các đơn vị, tổ chức có trách nhiệm liên quan trong phòng, chống lừa đảo qua mạng có thể chọn lọc ngắn gọn thông tin cơ bản cần nắm bắt để tuyên truyền, như quản lý cài đặt quyền riêng tư trên Facebook, bảo mật tài khoản Facebook, hay cách nhận biết các dấu hiệu lừa đảo qua Facebook…”, ông Hải ý kiến.

Ngày 30.5.2024, Sở TT&TT có công văn đề nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng; triển khai giải pháp bảo vệ người sử dụng và phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng thực hiện thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, việc tuyên truyền này chỉ chủ yếu thực hiện ở các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống đài truyền thanh các xã, phường. Để nâng cao hiệu quả hơn, cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan, tổ chức chính trị - xã hội, với các hình thức thông tin phù hợp, tuyên truyền hiệu quả đến đông đảo hội viên, người dân.

Như ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), CA phường phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam phường dán nhiều tờ thông tin “Để phòng chống lừa đảo” trên tường nhà dân, hộ kinh doanh ở các tuyến đường trung tâm của phường, có nội dung ngắn gọn, màu sắc nổi bật thu hút sự chú ý.

Trong năm 2023, lực lượng CA toàn tỉnh tiếp nhận thông tin về 116 vụ việc lừa đảo trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền bị chiếm đoạt 90,1 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý 64 vụ việc lừa đảo trên không gian mạng với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 90 tỷ đồng.

Theo chủ một quán cà phê trên đường Hàm Nghi (phường Ngô Mây), người cao tuổi như ông đọc nội dung trên tờ thông tin cũng dễ hiểu với “4 không”: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo liên quan đến vụ việc, vụ án.

Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế”, không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lượng cao”. Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng. Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không làm theo.

Cùng với đó là “2 phải”: Thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thông tin thẻ CCCD; thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin tài khoản mạng xã hội... Phải tố giác ngay với CA khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo…

Trong tờ thông tin tuyên truyền này còn cung cấp số điện thoại trực ban CA TP Quy Nhơn (0256.3546114) và hotline CA phường (0256.3522409).

HOÀI THU - Nguồn Báo Bình Định