UBND tỉnh vừa ban hành kèm theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 29/01/2024 Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Chương trình hành động nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Cùng với đó, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy, doanh nghiệp và lái xe vận tải khách. Phòng ngừa không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ. Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững; hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: phapluatgiaothong.vn)
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan có nhiệm vụ tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT, kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong hệ thống chính trị phải gương mẫu đi đầu chấp hành pháp luật về TTATGT; tiếp tục kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Các nội dung về bảo đảm TTATGT phải được xác định rõ trong chương trình công tác hàng năm và dài hạn của các sở, ban, ngành, địa phương. Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT; chủ động đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác bảo đảm TTATGT và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Đồng thời, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về TTATGT.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan còn có nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khẩn trưởng điều tra, xử lý, làm rõ các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đa dạng hoá nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số với nội dung phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền dân tộc; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm TTATGT; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, khen thưởng các trường hợp có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời, xử lý kỷ luật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép nội dung về bảo đảm TTATGT trong quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông, bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. Tập trung kiên quyết giải tỏa hành lang ATGT, chống lấn, chiếm lòng, lề đường, hè phố, trật tự đô thị đảm bảo các tuyến đường được thông thoáng.
Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm. Kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Quan tâm đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng chuyên trách, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Tiếp tục đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông đường bộ, trên các tuyến giao thông trọng điểm và tại các huyện, thị xã, thành phố để quản lý, điều hành, xử lý vi phạm TTATGT, từ đó nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa tham gia giao thông; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để khai thác sử dụng hiệu quả.
Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông. Quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông.
Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện thân thiện với môi trường gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang ATGT; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và “điểm đen”, các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông.
Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT từ tỉnh đến cơ sở theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm xử lý trong công tác bảo đảm TTATGT. Chú trọng tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ. Tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trong thực thi các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra phòng ngừa và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, nhất là các lĩnh vực đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông./.
Nguồn:binhdinh.gov.vn