CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Quốc phòng - An ninh
KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2022): Hành trình không ngừng nghỉ
Thứ ba 12/07/2022 13:57

Hành trình tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn, gian khổ. Nhưng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của thân nhân liệt sĩ, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ, bằng tình cảm, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.

Kiên trì, tâm huyết

Gần 15 năm gắn bó với công tác chính sách, thiếu tá Phạm Thanh Tấn, Trưởng Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh), cùng đồng đội đã trực tiếp tìm kiếm, quy tập hàng chục hài cốt liệt sĩ (HCLS). Trong hành trình ấy, anh Tấn chia sẻ rằng ngoài áp dụng các căn cứ khoa học thì có những cơ duyên tìm thấy HCLS đến một cách kỳ lạ.

Anh Tấn kể, tháng 4.2021, Ban Chính sách tiếp nhận thông tin có một ngôi mộ liệt sĩ ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn). Trực tiếp đi khảo sát, anh Tấn tìm được một nhân chứng trực tiếp chứng kiến việc chôn cất liệt sĩ. Anh Tấn vừa về đến cơ quan thì có gia đình của 2 liệt sĩ Phan Quang Ba và Trần Văn Tư (đều quê Nghệ An) đến cung cấp thông tin và nhờ tìm giúp mộ của hai anh khi hy sinh trong trận đánh sân bay Phù Cát vào tháng 4.1974.

“Ngay vị trí nhân chứng chỉ, chúng tôi khai quật, tìm được các di vật ghi đúng tên của 2 liệt sĩ trên trong sự vỡ òa xúc động của hai gia đình. Sau đó, hài cốt của hai liệt sĩ trên được Bộ CHQS tỉnh bàn giao chu đáo, trang trọng cho hai gia đình để đưa về quê an táng theo nguyện vọng”, thiếu tá Tấn bồi hồi.

Cũng chừng ấy năm trong nghề, đại úy Nguyễn Minh Khai (nhân viên Chính trị, Ban CHQS huyện Phù Mỹ) chia sẻ rằng hành trình tìm kiếm, quy tập HCLS đòi hỏi mỗi người phải thực sự tâm huyết, kiên trì. “Với tôi cũng như các đồng đội tham gia công tác này, vượt suối băng rừng là chuyện thường. Mọi khó khăn, vất vả đều tan biến khi chúng tôi chứng kiến giọt nước mắt của thân nhân gia đình liệt sĩ đón nhận hài cốt của con, em của họ trở về”, đại úy Khai tâm tư.

Điển hình như trường hợp của liệt sĩ Lê Tấn Đức (SN 1950, hy sinh năm 1970 tại huyện Vĩnh Thạnh), thiếu tá Phạm Thanh Tấn và đại úy Nguyễn Minh Khai cùng đồng đội kiên trì 3 năm liền mới tìm thấy mộ. Bà Lê Thị Phúc (67 tuổi, ở TP Quy Nhơn, em ruột của liệt sĩ Đức) xúc động nói: “Gia đình vui mừng đến nghẹn ngào. Nhờ có bộ đội hỗ trợ mà chúng tôi đã đưa được anh về sau những tháng năm đằng đẵng mong ngóng”.

Thiếu tá Nguyễn Minh Quang (thứ hai từ phải sang) báo cáo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh địa hình của đồi Xuân Sơn và quá trình xác định vị trí để tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: H.P

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS ngày càng khó khăn, bởi thời gian chôn cất liệt sĩ đã lâu, thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao, địa hình tự nhiên thay đổi theo thời gian và theo quá trình phát triển KT-XH.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với thiếu tá Nguyễn Minh Quang, nguyên cán bộ Đội K-52 (Đội tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam, thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, hiện là nhân viên chính sách Ban CHQS huyện Hoài Ân) khi anh đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm HCLS ở đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân). Trong 10 năm làm việc ở Đội K-52, thiếu tá Quang cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên trách là tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia.

“Thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, chúng tôi chủ yếu ăn ở dã chiến, nhiều khó khăn và thiếu thốn. Tuy vậy, chúng tôi đều nỗ lực vượt qua vì mục tiêu quan trọng nhất là tìm được HCLS của bộ đội mình”, thiếu tá Quang chia sẻ.

Tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

Tại Bình Định, công tác này được triển khai mạnh mẽ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập HCLS (Đề án 1237) và Đề án xác định HCLS còn thiếu thông tin (Đề án 150) giai đoạn 2013 - 2020, Ban Chỉ đạo tỉnh về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS (Ban Chỉ đạo 515 tỉnh) đã tiếp nhận 776 thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ do các tổ chức và nhân dân cung cấp. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo - Bộ CHQS tỉnh, đã hướng dẫn các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, phân tích, kết luận cụ thể từng nguồn thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ để tiến hành khảo sát, quy tập đúng quy định.

Qua đó, đã tổ chức khảo sát, quy tập tại 727 địa điểm nghi có mộ liệt sĩ. Kết quả, đã cất bốc được 346 HCLS. Riêng năm 2021, Bộ CHQS tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 21 HCLS; 6 tháng đầu năm 2022, tìm kiếm, quy tập được 1 mộ tập thể, 20 mộ lẻ, cung cấp thông tin cho các đơn vị quy tập được 20 HCLS.

Đại tá Nguyễn Minh Hiến- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh-thông tin: “Việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS tiếp tục là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các đơn vị, địa phương trong thời gian tới. Phương châm của tỉnh là làm dứt điểm, rõ thông tin trước, phát hiện đến đâu, làm ngay đến đó; từng bước kết luận địa bàn, khoanh vùng các khu vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, tìm kiếm; quy tập càng nhiều HCLS càng tốt”.

HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định