50 năm đã qua kể từ mùa Xuân lịch sử 30/4/1975 – cột mốc huy hoàng khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Nửa thế kỷ nhìn lại, hào khí chiến thắng vẫn vẹn nguyên, tiếp thêm cho chúng ta niềm tin mãnh liệt vào một Việt Nam ngày càng hùng cường, vươn mình mạnh mẽ trên hành trình phát triển và hội nhập toàn cầu.
Xe tăng bộ đội giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ảnh của nguồn Tạp chí Tổ chức nhà nước.
Khúc tráng ca mùa Xuân đại thắng
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó làkết tinh của hơn 30 năm kháng chiến trường kỳ, của ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", của trí tuệ quân sự Việt Nam và khát vọng cháy bỏng thống nhất non sông.
Bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 04-3 đến ngày 03-4-1975), nước cờ táo bạo của Bộ Chính trị, mở màn bằng đòn đánh vào Buôn Ma Thuột, làm tê liệt phòng tuyến địch, tạo đột phá chiến lược cho toàn cục. Tiếp theo, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng (từ ngày 05 đến ngày 29/3/1975) đã giải phóng nhanh gọn hai thành phố trọng yếu, khiến hàng vạn quân địch tan rã, vũ khí thu giữ hàng trăm đơn vị. Trung Trung Bộ hoàn toàn được giải phóng.
Đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/1975). Với thế tiến công "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", quân ta năm mũi giáp công thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đã khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giang sơn thu về một mối, đất nước nối liền một dải, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập và thống nhất.
Chiến thắng 30/4 là kết tinh của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sức mạnh từ hậu phương miền Bắc, tiền tuyến miền Nam, từ lòng dân và lực lượng vũ trang, triệu triệu con tim cùng hướng về Tổ quốc. Không chỉ làm nên lịch sử cho dân tộc, Đại thắng mùa Xuân 1975 còn vang dội khắp năm châu, trở thành biểu tượng chính nghĩa của phong trào giải phóng dân tộc. Đây là chiến thắng khép lại một thế kỷ mất mát, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội – kỷ nguyên của niềm tin và khát vọng Việt Nam.
Vượt bão sau hòa bình, bảo vệ thành quả cách mạng
Thắng lợi năm 1975 đưa đất nước bước vào một thời kỳ mới, nhưng cũng mở ra muôn vàn thử thách. Di chứng chiến tranh để lại vô cùng nặng nề: hơn 3 triệu ha đất bị nhiễm chất độc hóa học, hàng triệu người bị thương tật, hàng triệu bom mìn chưa nổ còn rải rác khắp nơi. Hệ thống kinh tế bị tàn phá, đất nước bị bao vây cấm vận, chia cắt cả về cơ sở hạ tầng lẫn cơ cấu tổ chức.
Trong bối cảnh đó, Đảng và nhân dân ta vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn quốc. Đây là giai đoạn khó khăn chồng chất nhưng thể hiện bản lĩnh kiên cường và lòng tin son sắt vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Đặc biệt, Việt Nam đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong các cuộc chiến tranh biên giới. Trên mặt trận Tây Nam, quân ta đã đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa và giữ vững an ninh biên giới Tây Nam. Trên biên giới phía Bắc, quân và dân ta kiên cường chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài khơi xa, trận Gạc Ma năm 1988 là minh chứng cho tinh thần bất khuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo đến hơi thở cuối cùng.
Bản hùng ca hiện đại – 40 năm Đổi mới
Tại Đại hội VI (1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra quyết sách lịch sử: khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Việt Nam từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phá thế bao vây cấm vận, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Sau bốn thập kỷ, hành trình đổi mới đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh sáng tạo của Đảng. Từ một nước nghèo phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, điều, thủy sản...
Tính đến năm 2024, GDP đạt hơn 476 tỷ USD – tăng hơn khoảng 58 lần so với năm 1990, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 USD. Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN và thuộc top 33 toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 786 tỷ USD, xuất siêu gần 25 tỷ USD – mức kỷ lục. Dự trữ ngoại hối khoảng 80 tỷ USD; vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục tăng mạnh, khẳng định lòng tin của nhà đầu tư quốc tế.
Các lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 1,93%, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%; chỉ số hạnh phúc theo xếp hạng của Liên Hợp quốc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/145 quốc gia được xếp hạng. Cả nước có hơn 25 triệu học sinh, sinh viên, trong đó, số học sinh phổ thông hơn 23 triệu em (tính đến tháng 8/2024). Tuổi thọ trung bình đạt 74,5 tuổi (năm 2023); bảo hiểm y tế bao phủ 93,35% dân số.
Trên trường quốc tế, Việt Nam từ thế bị cô lập trở thành quốc gia chủ động, có trách nhiệm. Đến năm 2025, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 12 nước, là thành viên tích cực của nhiều cơ chế đa phương như ASEAN, WTO, APEC, CPTPP, RCEP... Hai lần là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam khẳng định vai trò trong gìn giữ hòa bình và phát triển toàn cầu.
Việt Nam hôm nay là biểu tượng của khát vọng vươn lên, là bản hùng ca hiện đại về ý chí, trí tuệ và sức mạnh dân tộc. Thành tựu 40 năm Đổi mới chính là nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hùng cường, như lời Bác Hồ hằng mong ước.
Vươn mình trong kỷ nguyên mới
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, với khát vọng hùng cường và thịnh vượng. Đây là thời điểm bản lề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hành động quyết liệt, đổi mới mạnh mẽ để vượt qua thử thách và vươn lên, đưa Việt Nam sánh vai cùng thế giới. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng để phát triển, chúng ta phải tiếp tục đổi mới toàn diện, cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy và tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo.
Cải cách thể chế kinh tế - xã hội và chuyển đổi số là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế tri thức, hiện đại và tự cường. Đặc biệt, tinh gọn bộ máy hành chính, cải cách công vụ, và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách là chìa khóa để xây dựng một chính phủ minh bạch, số hóa và phục vụ nhân dân.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế tri thức. Việt Nam cần tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển, đẩy mạnh sản xuất công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo. Đất nước ta đang bước vào hành trình đầy quyết tâm và hành động để xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vững bước tiến về phía trước.
Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đã xác định mục tiêu rõ ràng: đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, là nước phát triển có thu nhập cao. Đây không chỉ là khát vọng mà đang dần trở thành hiện thực.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định 31/3/1975 - 31/3/2025, ảnh từ nguồn Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh Bình Định.
***
Nửa thế kỷ đã trôi qua, từ chiến thắng mùa Xuân 1975, dân tộc Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh và tiềm năng bất diệt. 50 năm qua là minh chứng cho tinh thần bất khuất và khát vọng cháy bỏng của một dân tộc luôn kiên cường bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước. Trải qua bao thử thách, Việt Nam đã xây dựng được một đất nước độc lập, tự do, ngày càng phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là dịp để tri ân các anh hùng và nhìn về phía trước, cùng nhau khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc. Chúng ta không chỉ tự hào về quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một đất nước thịnh vượng, xã hội công bằng, và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Với niềm tin vững vàng vào sức mạnh đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế mạnh mẽ trên trường quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng mới, hướng tới một tương lai tươi sáng, vững bền.
Bảo Giang