Bộ GTVT vừa tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 nhằm đạt mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Tại Bình Ðịnh, UBND tỉnh đang nỗ lực giải quyết các khó khăn về nguyên vật liệu; đồng thời, các nhà thầu quyết tâm vượt qua trở ngại để đảm bảo tiến độ thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Tích cực hỗ trợ nhà thầu
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng 92,26 ha rừng tại Bình Định, trong đó có 12,63 ha rừng tự nhiên, lãnh đạo tỉnh đã tích cực hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn pháp lý và cung cấp nguyên vật liệu cần thiết cho Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh.
Đoạn đường do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã thảm một lớp nhựa và chờ thời tiết thuận lợi tiếp tục thi công. Ảnh: HẢI YẾN
Tại gói thầu XL11 thuộc dự án thành phần Hoài Nhơn- Quy Nhơn, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã triển khai thi công 24/24 giờ, sau khi giải quyết nút thắt tại đoạn 2,46 km rừng tự nhiên. Nhà thầu đã tổ chức 4 mũi thi công, mỗi ngày khai thác trung bình 10.000 m³ đất đá để đắp đường. Tính đến nay, giá trị sản lượng đạt 1.349,6/2.967 tỷ đồng, tương đương 50% hợp đồng.
Để đảm bảo nguồn đất đắp nền đường, UBND tỉnh đã xác nhận 17 khu vực mỏ với diện tích 169,9 ha, trữ lượng hơn 13 triệu m³. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện khai thác và cung cấp đủ các loại vật liệu xây dựng như cát, đá, cho phép tận dụng đá đào từ các hạng mục hầm và nền đường để tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định 62 khu vực đổ thải với diện tích hơn 220 ha và trữ lượng hơn 10 triệu m³, giúp các nhà thầu xử lý chất thải hiệu quả và giảm tác động đến môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng khẳng định việc tháo gỡ khó khăn pháp lý và cung cấp nguồn lực thi công là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ Dự án. UBND tỉnh cam kết tiếp tục hỗ trợ các nhà thầu, đảm bảo thủ tục hành chính thông suốt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác thi công.
Đảm bảo tiến độ thi công
Các nhà thầu đang nỗ lực hết mình để đảm bảo tiến độ thi công, bất chấp những thách thức như đợt mưa kéo dài. Nhiều biện pháp khắc phục kịp thời đã được triển khai để bù đắp thời gian gián đoạn.
Tại hầm xuyên núi số 3 thuộc dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, có chiều dài 3.200 m với 2 ống hầm, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng phương pháp đào hầm “hệ Đèo Cả”, giúp rút ngắn thời gian thi công. Đến nay, khoảng 2.500 m mỗi bên hầm đã được hoàn thành. Dự kiến đến cuối năm 2024, nhà thầu sẽ hoàn thành 61% tổng khối lượng công việc, phấn đấu đào thông hầm trước ngày 30.4.2025. Đơn vị đã huy động đầy đủ nhân lực và máy móc, tổ chức thi công liên tục với phương án “3 ca, 4 kíp”, bất chấp điều kiện thời tiết khó khăn.
Tại gói thầu 12-XL thuộc dự án thành phần Hoài Nhơn- Quy Nhơn, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đã tăng cường nhân lực và thiết bị thi công. Trong những đợt mưa lớn ảnh hưởng đến việc đắp nền đường, nhà thầu chuyển sang thi công các hạng mục ít bị ảnh hưởng như trồng cỏ và gia cố ta-luy. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành 51% khối lượng công việc.
Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu phụ trách gói thầu XL12, đã triển khai thảm nhựa toàn tuyến. Ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ trách gói thầu XL12, cho biết dù là đơn vị đầu tiên hoàn thành lớp thảm nhựa mặt đường nhưng do mưa lớn, đơn vị phải tạm dừng thi công. Khi thời tiết cho phép, nhà thầu lập tức huy động thiết bị và công nhân để tiếp tục thi công, đồng thời sẵn sàng tăng cường lực lượng cho các công trình khác nếu cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ chung.
Các nhà thầu khác cũng chủ động lập phương án thi công cho từng hạng mục, từ huy động máy móc đến đảm bảo vật liệu luôn sẵn sàng. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) thường xuyên kiểm tra sát sao tiến độ và phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nhà thầu và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ UBND tỉnh Bình Định, Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí sớm hơn kế hoạch từ 6 - 9 tháng. Đây là minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và nhà thầu, góp phần vào mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Nguồn Báo Bình Định