Trong bối cảnh nhiều thách thức của nền kinh tế toàn cầu, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh. Những nỗ lực trong đổi mới quản trị, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ đã giúp công ty vượt qua khó khăn, hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu trọng yếu.
Đảm bảo hiệu quả kinh doanh
Kinh tế toàn cầu năm 2024 đối mặt với nhiều bất ổn. Suy thoái tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến nhu cầu hàng hóa giảm, trong đó, các sản phẩm gỗ và đá granite vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng lớn. Giá cước vận tải biển cao cùng tình trạng mất cân đối container rỗng tiếp tục gây áp lực chi phí cho các DN xuất nhập khẩu thông qua cảng.
Cảng Quy Nhơn tập trung cải thiện hệ thống bãi, kho bãi, tăng năng suất xếp dỡ. Ảnh: HẢI YẾN
Năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn ước đạt 11,6 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra (11,5 triệu tấn). Trong đó, hàng container đạt 171 nghìn TEUs, đạt 95% kế hoạch. Tổng doanh thu của Công ty CP Cảng Quy Nhơn ước đạt 1.236 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 160 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu (115 tỷ đồng), đạt 139% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 15%, cao hơn kế hoạch (11%). Những con số trên cho thấy khả năng duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty CP Cảng Quy Nhơn.
Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Dù đối mặt với nhiều thách thức, chúng tôi đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng suất xếp dỡ, mở rộng tuyến dịch vụ đến cải tiến hệ thống cơ sở hạ tầng. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì sản lượng mà còn tạo dựng niềm tin với khách hàng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư vào tỉnh.
Cảng Quy Nhơn đã chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên và các cửa khẩu Lệ Thanh, Bờ Y. Cảng đã thu hút được hãng tàu CMA (Pháp) mở tuyến dịch vụ Quy Nhơn - Đông Bắc Á ổn định hằng tuần, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu container lạnh (chuối, nước cốt ép), xuất khẩu nông sản sang thị trường Đông Bắc Á của các chủ hàng (sản lượng bình quân 150 TEUs/tuần); kết nối với Hãng tàu Evergreen (Đài Loan (Trung Quốc)) mở tuyến dịch vụ mới, tạo thêm nhiều sự lựa chọn, thị trường mới cho các chủ hàng; phối hợp với VIMC Lines để vận chuyển hàng nội địa, kết hợp với vận chuyển hàng xuất/nhập khẩu từ Cảng Cái Mép đến Cảng Quy Nhơn.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ: Phần lớn sản phẩm từ gỗ của 150 DN thành viên Hiệp hội đều xuất qua Cảng Quy Nhơn. Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã hỗ trợ chúng tôi rất tốt, đặc biệt là tuyến dịch vụ mới đi Đông Bắc Á. Nhờ vậy, chi phí logistics giảm, thời gian vận chuyển nhanh hơn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng, công nghệ
Năm 2024, Cảng Quy Nhơn đã chính thức đưa cầu bến số 1 dài 480 m vào khai thác, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu lớn và giảm thiểu tình trạng chờ cầu; công suất sửa chữa container tại cảng cũng tăng từ 30 lên 80 container/ngày, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, công ty còn cải thiện hiệu quả khai thác kho bãi, tăng năng suất xếp dỡ, đảm bảo phục vụ đồng thời nhiều tàu lớn. Những giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo động lực thu hút thêm nguồn hàng từ các khu vực khác.
Cảng Quy Nhơn tập trung cải thiện hệ thống bãi, kho bãi, tăng năng suất xếp dỡ. Ảnh: HẢI YẾN
Cảng Quy Nhơn đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác. Dự án nạo vét trước các bến và nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn đã được triển khai, nhằm gia tăng khả năng tiếp nhận tàu lớn. Ngoài ra, công ty cũng tập trung đầu tư trang thiết bị mới và cải tiến quy trình quản lý nhằm tối ưu hóa hoạt động khai thác, giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Trần Hữu Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Headway Quy Nhơn, cho hay: Công ty chúng tôi có 20 xe chuyên vận tải hàng hóa bằng container, sản lượng năm 2024 ước đạt 7.000 TEUs, doanh thu 130 tỷ đồng. 90% hoạt động vận chuyển của công ty được thực hiện qua Cảng Quy Nhơn. Sự hỗ trợ tích cực từ Cảng Quy Nhơn, bao gồm cơ sở hạ tầng hiện đại và dịch vụ hậu cần hiệu quả, đã góp phần quan trọng vào việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đáp ứng nhu cầu khách hàng và phát triển kinh doanh bền vững.
Hiện nay, Cảng Quy Nhơn vẫn đang đối mặt với một số vấn đề tồn đọng, như luồng hàng hải Quy Nhơn chưa được nâng cấp toàn diện, hạn chế khả năng tiếp nhận tàu lớn; hệ thống bãi và kho bãi còn nhiều hạn chế về diện tích và chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác…
Ông Lê Hồng Quân chia sẻ thêm: Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan quản lý, cam kết không ngừng đổi mới, cải tiến và hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và quốc tế, góp phần làm tốt vai trò là cửa ngõ ra biển của không chỉ Bình Định mà còn cả các tỉnh Tây Nguyên. Cảng tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, DN xuất/nhập khẩu, góp phần cùng tỉnh nỗ lực thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của cảng trên bản đồ logistics Việt Nam.
Nguồn Báo Bình Định