CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Trồng rừng thay thế: Thực hiện chặt chẽ, kết quả tích cực
Thứ ba 24/08/2021 08:59
Theo Thông tư 13/2019/ TT-BNNPTNT thì tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế. Việc thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt kết quả tích cực.

Nộp tiền để trồng rừng thay thế

Theo Thông tư 13/2019 của Bộ NN&PTNT, tổ chức, cá nhân (chủ dự án) không có điều kiện tự trồng rừng thay thế (bằng với diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng) thì thực hiện nghĩa vụ này bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Quỹ BVPTR) để tổ chức trồng rừng theo quy định ở những địa điểm đáp ứng yêu cầu.

Được UBND tỉnh phê duyệt, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn thời gian tới thực hiện trồng rừng thay thế ở KV2, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).  - Trong ảnh: Một khu vực rừng tại KV2 phường Ghềnh Ráng. Ảnh: HOÀI THU

Hầu hết chủ dự án trên địa bàn tỉnh khi phải trồng rừng thay thế đều không tự thực hiện được nên chuyển sang hình thức nộp tiền. Ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh, cho biết: Quỹ BVPTR tỉnh đã thu lũy kế từ năm 2014 đến giữa tháng 6.2021 được hơn 47,4 tỷ đồng. Từ số tiền này, UBND tỉnh phê duyệt thực hiện các dự án trồng rừng thay thế từ năm 2014 - 2021 trên tổng diện tích hơn 451 ha, kinh phí hơn 34 tỷ đồng.

Phục vụ phát triển KT-XH ở các địa phương trong tỉnh, dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng cũng ngày càng nhiều hơn. Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 27.7.2021 (kỳ họp lần thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIII) về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong hai ngày 5 - 6.8.2021, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo đối với 14 chủ dự án về thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 13/2019.

Đến ngày 10.8 và 18.8, UBND tỉnh có văn bản về việc chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng của 7/14 chủ dự án nêu trên như: Gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) của Công ty CP Khoáng sản Bình Định, nộp hơn 1,5 tỷ đồng để trồng 18,36 ha rừng thay thế. Khai thác đất làm vật liệu san lấp (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) của Công ty CP Xây dựng TC Bình Định, nộp hơn 410 triệu đồng trồng 5 ha rừng thay thế. Mở rộng Nhà máy phân bón Nhật - Nam (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thành Hưng, nộp hơn 242 triệu đồng trồng 2,95 ha rừng thay thế. Mở rộng Nhà máy chế biến nông sản của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tiến Phước (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), nộp hơn 229 triệu đồng trồng 2,8 ha rừng thay thế...

Thực hiện theo nhiều bước chặt chẽ

Hằng năm, từ báo cáo của Quỹ BVPTR tỉnh, Sở NN&PTNT thông báo về các huyện để chỉ đạo đơn vị chức năng đăng ký trồng rừng thay thế theo diện tích cụ thể. Qua đó, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế cho đơn vị đăng ký để thực hiện bước lập hồ sơ. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các bước thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu mới trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Theo ông Ngô Thanh Hoàng Song, trồng rừng thay thế ưu tiên trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nên đơn vị có đất trồng rừng đáp ứng thực hiện những năm qua chủ yếu là Ban Quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp. Để chặt chẽ hơn khi thực hiện, Quỹ BVPTR tỉnh thực hiện giải ngân kinh phí cho các đơn vị chia thành 4 lần theo tiến độ trồng, chăm sóc rừng từng năm trong 4 năm liên tiếp (mỗi năm giải ngân một lần).

Kế hoạch trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh năm 2021 đang được 4 đơn vị thực hiện. Trong đó, mới chỉ có Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn ngày 28.7 đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình trồng và chăm sóc rừng trồng thay thế tổng diện tích 30 ha tại 3 phường ở TP Quy Nhơn. Hồ sơ trồng rừng thay thế của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân trên diện tích 33,23 ha, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trên diện tích 4,7 ha đang được Chi cục Kiểm lâm thẩm định. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đang xây dựng hồ sơ trồng rừng thay thế trên diện tích 45,9 ha.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm), cho biết: Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Quỹ BVPTR tỉnh cùng các đơn vị, địa phương liên quan đi thẩm định ngoài hiện trường, đảm bảo theo quy định đất rừng phòng hộ còn trống mới được thực hiện trồng rừng thay thế, còn trên đất dù có cây nhỏ cũng không được. Chúng tôi cũng kiểm tra thêm trước khi giải ngân kinh phí trồng, chăm sóc rừng cho năm đó. Kết thúc 4 năm, nếu đã thành rừng thì đưa vào rừng phòng hộ giao khoán cho dân bảo vệ; nếu chưa đạt thì yêu cầu phải tiếp tục chăm sóc đến khi nào thành rừng mới được nghiệm thu. Thực hiện chặt chẽ nên việc trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh nói chung đều tốt.

 

HOÀI THU - Nguồn Báo Bình Định