Ðó là yêu cầu của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, đặt ra tại cuộc họp rà soát các phương án, giải pháp tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025 do Tỉnh ủy tổ chức ngày 15.5.
Cùng chủ trì cuộc họp có đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Nhiều điểm sáng
Theo báo cáo của Đảng ủy UBND tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trình bày, trong 4 tháng đầu năm 2025, đà tăng trưởng và phát triển KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì ở mức khá. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I/2025 tăng 7,51% so với cùng kỳ năm 2024. Quy mô nền kinh tế của tỉnh trong quý I đạt 29.730 tỷ đồng, tăng hơn 2.930 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng kết luận cuộc họp. Ảnh: N.H
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,72%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 40.271 tỷ đồng, tăng 8,1%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 616 triệu USD, tăng 5,7%; tổng khách du lịch đến tỉnh đạt 4,2 triệu lượt, tăng 14,2%; doanh thu du lịch đạt 10.172 tỷ đồng, tăng 15%. Bân cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 6.000 tỷ đồng, đạt 34,4% dự toán năm, tăng tới 50,3%. Đặc biệt, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt hơn 2.062 tỷ đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, điểm tích cực ở bức tranh kinh tế Bình Định trong 4 tháng đầu năm là toàn tỉnh đã thu hút 37 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh mới, với tổng vốn đăng ký 13.631 tỷ đồng; tăng 105,5% về số dự án và tăng tới 408,57% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 31 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 11.728 tỷ đồng và 6 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 1.902 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong vụ sản xuất Đông Xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh gieo sạ 46.770 ha lúa, đạt 100,8% kế hoạch đề ra. Đến nay, nông dân đã thu hoạch xong, năng suất đạt hơn 73 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa của nhiều tỉnh khu vực miền Trung. “Đầu vụ sản xuất do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lạnh kéo dài ảnh hưởng đến việc gieo sạ, chăm sóc lúa. Dù vậy, nhờ kiểm soát kịp thời, đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc, thâm canh nên năng suất lúa vẫn tốt. Đáng mừng hơn nữa là giá lúa hiện ở mức cao nên nông dân có lãi khá”, bà Trân nói.
Tập trung cho mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8,5%
Nêu giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2025 đạt trên 8,5%, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản chi tiết và đã có các giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Nhờ vậy, tăng trưởng trong quý I ở mức 7,51% đảm bảo yêu cầu đề ra. Tỉnh phấn đấu trong quý II sẽ đạt mức tăng trưởng 8,6%, quý III tăng 8,9% và quý IV tăng 8,7%.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Định đạt 616,6 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024.
- Trong ảnh: Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng quốc tế Quy Nhơn. Ảnh: N.DŨNG
Bày tỏ quyết tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay, kịch bản tăng trưởng đã có, toàn tỉnh tiếp tục các giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực, tạo dư địa và nền tảng phát triển KT-XH giai đoạn sắp tới khi sáp nhập tỉnh Gia Lai với Bình Định.
“Tỉnh tiếp tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất hỗ trợ tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ DN tốt hơn. Tạo thuận lợi cho các nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động và đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp mới đang triển khai đầu tư xây dựng để tạo giá trị mới, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% trong năm 2025, yêu cầu các cấp, các ngành phải hết sức nỗ lực với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
“Kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý đã được tỉnh xây dựng khá chi tiết, đầy đủ, do đó từng cấp, từng ngành cần bám vào đó để thực hiện. UBND tỉnh cần phân cấp, phân quyền, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, trong đó tập trung tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược, có dư địa phát triển lớn”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc sắp xếp bộ máy cấp tỉnh và chính quyền địa phương 2 cấp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, lưu ý công tác nhân sự tại các xã, phường phải lựa chọn những cán bộ có năng lực, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”. Các sở, ngành, đơn vị chủ trì làm việc với sở, ngành, đơn vị của tỉnh Gia Lai, theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh, tập trung xây dựng kịch bản tăng trưởng KT-XH sau khi sáp nhập tỉnh. Triển khai rà soát các bất cập về hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… trên địa bàn tỉnh mới, kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nguồn Báo Bình Định