Ngày 2.4 Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH quý I/2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được UBND tỉnh tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh. Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh; Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh...
Quang cảnh hội nghị.
Tăng trưởng khá
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đánh giá, tổng sản phẩm địa phương của tỉnh (GRDP) quý I/2024 tăng trưởng khá 6,3%. Với mức tăng trưởng này, tỉnh Bình Định xếp thứ 22/63 địa phương trong cả nước; xếp thứ 7/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; dẫn đầu trong 5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức rất nhiều sự kiện, đặc biệt Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng chỉ ra nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức. Nguy cơ lớn nhất là thu ngân sách nhà nước không đạt, nhất là khoản thu tiền sử dụng đất.
Tiếp đến là tình trạng một số địa phương khởi động chậm. Đánh giá sơ bộ, địa phương vận hành tốt thì có huyện Phù Cát, TP Quy Nhơn, huyện An Lão; khá thì có huyện Tây Sơn, TX An Nhơn; kém thì có huyện Vân Canh, huyện Vĩnh Thạnh. Tình hình TNGT chưa giảm, lấn chiếm đất đai vẫn phức tạp…
Đó là những vấn đề cần phải lưu ý.
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, trong 21 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, chỉ tiêu quan trọng nhất là GRDP đạt khá ở mức 6,3%. Song, nếu so với kế hoạch giao cho quý I thì vẫn thấp hơn 1,2%, như vậy để đạt được chỉ tiêu 7,5 - 8% của cả năm 2024 thì 3 quý còn lại phải phấn đấu trên 7,5%.
Trong đó, nông lâm thủy sản thực hiện đạt 3,36%, xấp xỉ kế hoạch HĐND tỉnh giao (từ 3,4 - 3,8%). Công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực rất quan trọng thực hiện đạt 8,22%, thấp hơn kế hoạch 2% (công nghiệp đạt 8,48%, thấp hơn kế hoạch 0,42%; riêng ngành xây dựng chỉ đạt 7,57%, thấp hơn kế hoạch giao đến 7%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thực hiện đạt 7,05%, cao hơn kế hoạch 0,05%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 390, đạt 100% kế hoạch.
Về dịch vụ, 3 tháng đầu năm đạt 6,33%, thấp hơn kế hoạch giao 1,17%. Tổng thu ngân sách đạt 2.802,8 tỷ đồng (87,2%), thấp hơn kế hoạch quý đến 12,3%.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh Bình Định quản lý trong quý I gần 1.500 tỷ đồng, đạt gần 17% kế hoạch năm. Hiện nay, các chủ đầu tư các công trình trọng điểm đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng quản lý về xây dựng cơ bản và đẩy mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Đáng chú ý, tỉnh triển khai nhiều sự kiện nổi bật như Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Nhờ đó, lũy kế tổng thu từ khách du lịch trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 6.835 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Hội nghị cũng đánh giá, hiện một số DN trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao; sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí logistics; thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, hàng thủy sản sụt giảm so với cùng kỳ…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành theo chỉ số
Nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng của đầu năm thì buộc tăng trưởng của 3 tháng tới phải đạt từ 8,5 - 8,8%. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương, sở, ngành phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành theo chỉ số, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trên tất cả lĩnh vực.
Cụ thể, trên lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT và các địa phương tập trung chỉ đạo công tác thu hoạch vụ lúa Đông Xuân và triển khai vụ Hè Thu theo kế hoạch. Trong đó, vụ Hè Thu lưu ý đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để phù hợp tình hình nước tưới hiện nay. Xây dựng phương án điều tiết nước tưới cho vụ Hè Thu và đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt người dân; đôn đốc 3 dự án chế biến nông sản và nuôi tôm công nghệ cao sớm đi vào hoạt động. Tập trung tái đàn chăn nuôi, hình thành các khu chăn nuôi công nghệ cao và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tập trung cho công tác phòng chống cháy rừng và phá rừng; tiếp tục triển khai trồng rừng gỗ lớn; quyết liệt triển khai IUU…
Trên lĩnh vực TN&MT, tập trung cho việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong tháng 4, huyện nào chưa xong phương án chi tiết, chưa phê duyệt được giá dịch vụ thì có hình thức kiểm điểm. Thứ hai là xử lý khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép - đây là việc rất nóng hiện nay, cần phân định rõ trách nhiệm để tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh. Sở TN&MT sớm hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, hồ sơ kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025; trình tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cho các địa phương còn lại như An Lão, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Phù Cát. Liên quan đến vấn đề giá đất thực hiện theo Nghị định 12, Sở TN&MT làm việc với các đơn vị tư vấn, phối hợp với hội đồng tính tiền giá đất của tỉnh, sớm báo cáo tỉnh thống nhất quy trình đấu giá đất, để tính tiền các dự án trên địa bàn tỉnh.
Trên lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế và địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các DN, tháo gỡ khó khăn. Sở Công Thương phối hợp tổ chức hội nghị gặp gỡ thương nhân và đối thoại với DN trong tháng 4; di dời 3 cụm công nghiệp Nhơn Bình, Quang Trung, Gò Đá Trắng. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng phương án điều tiết nước tưới vừa tạo điều kiện cho các dự án nhưng đảm bảo nước tưới cho sản xuất.
Sở KH&ĐT chủ trì triển khai ngay các công việc liên quan sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh cuối tháng 3 vừa qua; rà soát rút ngắn thủ tục, nhất là cho nhà đầu tư nước ngoài để có quy trình tốt nhất nhằm thu hút đầu tư.
Sở Tài chính tập trung 2 việc quan trọng là cùng Cục Thuế tỉnh rà soát lại kịch bản thu thuế, thu ngân sách - thu đúng, thu đủ, hỗ trợ cho DN và đặc biệt các khoản thất thu (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…) và đẩy mạnh khoản thu nội địa vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao; có phương án cho khoản thu tiền sử dụng đất.
Sở, ngành, địa phương chủ động giải quyết, không đẩy việc lên cấp trên
Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, phải tập trung cho công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và thu hút khách du lịch, nhà đầu tư. Thành lập tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh để đẩy các dự án đầu tư lớn sớm hình thành. Di dời các cụm công nghiệp và khu hậu cần nghề cá tại TP Quy Nhơn để đảm bảo môi trường cho thành phố biển.
Về nông nghiệp, lưu ý hết sức tình trạng hạn hán, kiểm soát toàn bộ lượng nước tưới cho sản xuất và nước cho sinh hoạt.
Lĩnh vực công nghiệp lưu ý thêm về quy hoạch điện VIII.
Lĩnh vực văn hóa, du lịch, trong quý II tỉnh sẽ tổ chức một chuỗi hoạt động du lịch hè, lễ hội kinh tế biển quy mô lớn… Sở VH&TT, Sở Du lịch phải tính toán điểm vui chơi, giải trí.
Sở TT&TT lưu ý đặc biệt công tác chuyển đổi số ở tỉnh và một số việc quan trọng khác.
Sở LĐ-TB&XH chú trọng công tác an sinh xã hội, trong đó nổi bật là giảm nghèo; đào tạo chuyển đổi nghề, nhất là chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng di dời tàu cá.
Sở Nội vụ chú trọng công tác đào tạo cán bộ cấp xã; kiểm tra công vụ.
Thanh tra tỉnh tập trung cho công tác kiểm tra phòng chống tham nhũng, chú trọng công tác phòng ngừa là chính…
Các ngành, địa phương tăng cường công tác ANTT, ATGT.
Đặc biệt, các địa phương tập trung triển khai nhiệm vụ, kế hoạch chi tiết trong kịch bản phát triển KT-XH. “Năm nay chúng ta đã làm rất chi tiết rồi, theo từng địa phương, từng quý. Các đồng chí không làm được nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ. Các sở, ngành, địa phương phải chủ động giải quyết việc, không đẩy việc lên cấp trên”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
MAI HOÀNG - Nguồn Báo Bình Định