Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 6.5, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Quản lý chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn
Tham gia thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH), Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đề nghị cần thống nhất ban hành hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng SPHH. Đối với các SPHH có tác động an toàn sức khỏe con người, động và thực vật (thuộc nhóm 2) thì Nhà nước ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng tối thiểu của các loại hàng hóa này. Còn các loại hàng hóa khác, có thể Nhà nước ban hành hoặc các DN, cá nhân sản xuất ra sản phẩm đó tự đăng ký tiêu chuẩn, quy chuẩn và được Nhà nước công nhận. Từ đó, có thể quản lý chất lượng SPHH theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được Nhà nước công nhận hoặc công bố.
ĐB Lê Kim Toàn đề xuất giải pháp nâng tầm chất lượng SPHH. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Toàn, đối với những loại SPHH do tổ chức, cá nhân sản xuất, đặc biệt là người dân sản xuất nhỏ, hộ gia đình, sản xuất tự cung tự cấp hay tự trang trải trong cuộc sống hoặc tự nguyện trao đổi với nhau bằng SPHH thì không bắt buộc thực hiện. SPHH đưa ra thị trường tiêu thụ thì phải bắt buộc thực hiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định. Đồng thời, đối với người dân sản xuất nhỏ, hộ gia đình với sản phẩm phân tán nhỏ lẻ, cần có chính sách hỗ trợ để họ liên kết, sản xuất thành chuỗi, thành nguồn hàng hóa tập trung, có đăng ký, tuân thủ theo hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn.
“Ngoài ra, phải xác định rõ cơ quan Nhà nước, cấp có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng SPHH đó; không để một loại sản phẩm mà nhiều cơ quan, đơn vị quản lý. Có như vậy chúng ta mới nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của SPHH Việt”, ĐB Toàn đề xuất.
ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng cần tránh dàn trải trong quy định chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho SPHH. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Liên quan đến quy định các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ cho SPHH được thể hiện tại các điều 6, 7, 7a, 7b… của dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng chúng ta rất kỳ vọng đưa ra nhiều chính sách, nhưng qua nghiên cứu cho thấy các điều này còn rất dàn trải, mang tính liệt kê. Do vậy, ĐB Hạnh đề xuất cần phải tinh gọn các nội dung. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần luật hóa thì đưa vào luật, nội dung nào chỉ mang tính tổ chức thực hiện thì giao rõ thẩm quyền, nhiệm vụ.
“Đơn cử, trong các chính sách của Nhà nước hiện nay tại điều 6 có nội dung xây dựng chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của SPHH, hỗ trợ nâng cao năng lực của DN nhỏ và vừa trong hạ tầng chất lượng quốc gia. Theo tôi được biết, việc quyết định xây dựng chương trình quốc gia là cả một quá trình; có những quy định rất chặt chẽ và không dễ gì để chúng ta xây dựng được một chương trình mục tiêu quốc gia. Trong dự thảo Luật lại mặc định tại điều 6, tôi thấy trong thời điểm này với tính chất của luật này thì chưa phù hợp”, ĐB Hạnh góp ý.
Bổ sung mô hình khu đô thị KHCN và đổi mới sáng tạo
Đối với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo ĐB Lê Kim Toàn, điều 57 trong dự thảo Luật xác định là khuyến khích đầu tư phát triển các cụm, khu nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo tập trung, nhằm liên kết và hỗ trợ trong nghiên cứu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo như khu công nghệ cao, công viên khoa học, cụm đổi mới sáng tạo... Đối với nhiều nước, bên cạnh các hình thức trên, người ta còn có mô hình mang hiệu quả là khu đô thị KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, có các viện, trung tâm nghiên cứu; nơi ăn ở, thư giãn của các chuyên gia...
Từ thực tế đó, ĐB Toàn kiến nghị trong điều 57 của dự thảo Luật nên bổ sung mô hình khu đô thị KHCN và đổi mới sáng tạo và các hình thức hạ tầng KHCN đổi mới sáng tạo khác; giao cho Chính phủ quy định chi tiết các mô hình này.
ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều điểm mới, được kỳ vọng tạo sự phát triển cho KHCN. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng dự thảo Luật này có nhiều điểm mới, trong đó có điểm mới được kỳ vọng tạo sự phát triển KHCN - đưa ra nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động KHCN, nhất là tổ chức KHCN. Đáng chú ý là hoàn thiện thêm về địa vị pháp lý cho tổ chức KHCN, như quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ; trình tự thủ tục triển khai hoạt động của tổ chức KHCN.
Tuy nhiên, ĐB Ba đề nghị cần quy định rõ hơn ở điểm d, khoản 5, điều 41 của dự thảo Luật, quy định các tổ chức KHCN có thể chuyển đổi thành DN. Theo ĐB Ba, chúng ta cũng đang xem xét sửa Luật DN; vì vậy, việc chuyển đổi nên được quy định rõ ngay trong cấp độ luật chứ không phải trong cấp pháp luật, sau đó đợi hướng dẫn, sẽ có độ trễ.
“Hơn nữa, hiện nay trong Luật DN hiện hành và trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ đề cập việc chuyển đổi giữa các loại hình DN, chứ chưa có quy định về tổ chức phi lợi nhuận chuyển đổi thành DN”, ĐB Ba phân tích.
Tham gia góp ý dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng trong bối cảnh nước ta đã tái khởi động dự án điện hạt nhân. Để hoàn thiện dự án Luật, ĐB Ba kiến nghị cần có quy định rõ để thực hiện tốt nguyên tắc giữa thanh tra, kiểm tra với thanh sát hạt nhân để không bị trùng lặp ở 3 khía cạnh thời gian, nội dung, đối tượng.
Nguồn Báo Bình Định