CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ÐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 - 7.5.2025): Tự lực cánh sinh - nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ
Thứ tư 07/05/2025 09:49

Một trong những nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 là đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng với nội dung cốt lõi là toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh - “tự lực cánh sinh”.

Tự lực để xứng đáng được độc lập

Tự lực cánh sinh (dựa vào sức mình là chính) nghĩa là dựa vào các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa ở trong nước, nhằm phát huy tới mức cao nhất sức mạnh toàn dân tộc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Tuy nhiên, Đảng ta và Bác Hồ cũng xác định tự lực cánh sinh song không có nghĩa là không tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của quốc tế.

Sở dĩ Đảng và Bác quyết định phải “tự lực cánh sinh” là vì về mặt lý luận, theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Hơn nữa, tự lực cánh sinh còn thực hiện đúng quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chủ động của cách mạng Việt Nam, ngay từ Cương lĩnh đầu tiên, khi xác định mối quan hệ giữa kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.

Về mặt thực tiễn, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới ra đời, chưa có được sự công nhận, đặt quan hệ ngoại giao (chứ chưa nói tới giúp đỡ) của bất kỳ một nước hay tổ chức quốc tế nào. Nhớ lại chặng đường đầy gian khổ này, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi giai đoạn 1945 - 1950 mà chúng ta đã đi qua là “cuộc chiến trong vòng vây”, nghĩa là chúng ta không những không nhận được sự ủng hộ từ quốc tế mà còn bị bao vây tứ phía.

Trong bối cảnh ấy, tất yếu Đảng và Bác phải xác định “tự lực cánh sinh” khi xây dựng đường lối đương đầu với thực dân Pháp. Chỉ khi sang giai đoạn 1951 - 1954, Đảng ta và Bác mới quyết định tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế khi điều kiện cho phép. Cuối năm 1949, đầu năm 1950, Bác đã có chuyến thăm ngoại giao hết sức quan trọng đến 3 nước (Trung Quốc, Liên Xô và Hungary). Sau chuyến thăm này, không những chúng ta đã phá được thế bị bao vây, được các nước công nhận, mà còn nhận được sự đồng tình ủng hộ cả vật chất và tinh thần của thế giới.

Huy động sức mạnh toàn dân tộc

Trong giai đoạn 1945 - 1950, cuộc kháng chiến của chúng ta phải tự lực cánh sinh toàn bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã quán triệt tới mức cao nhất tinh thần tự lực cánh sinh.

Tự lực cánh sinh được thể hiện rõ nhất trước hết trong chế tạo vũ khí đánh địch. Dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Trần Đại Nghĩa (Cục trưởng Cục Quân giới), trong điều kiện hết sức khó khăn và cực kỳ thiếu thốn, chúng ta đã chế tạo ra những vũ khí cực kỳ lợi hại, làm cho thực dân Pháp phải kinh hồn bạt vía (Bazoka, DKZ, SKZ…). Bên cạnh đó, lợi dụng địa hình, địa vật (địa lợi) của Việt Nam, những vũ khí thô sơ (hầm chông, bẫy đá, cung, nỏ, giáo, mác…) cũng tiếp tục được nhân dân ta sử dụng để tiêu diệt kẻ thù.

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bằng trí tuệ và lòng yêu nước nồng nàn, chỉ với những vũ khí tự tạo nói trên, chúng ta đã đối chọi và làm phá sản các chiến lược chiến tranh “đánh nhanh thắng nhanh”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”, với một lực lượng hùng hậu (năm 1946 khoảng 100 nghìn tên), được trang bị những vũ khí tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ quân binh chủng (hải lục, không quân, tăng thiết giáp…) của thực dân Pháp.

Sang giai đoạn 1951 - 1954, tự lực cánh sinh có sự kết hợp với tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế (Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu, phong trào phản chiến của Pháp…). Trên cơ sở đó, chúng ta tiếp tục đánh bại những âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mới của kẻ thù (kế hoạch của De Lattre de Tassigny; kế hoạch của Navarre), đưa thực dân Pháp tới trận chiến cuối cùng trên mặt trận quân sự (Điện Biên Phủ).

Đầu năm 1954, thực dân Pháp có sự hỗ trợ của Mỹ đã lên kế hoạch biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài bất khả xâm phạm với hệ thống phòng thủ kiên cố, được trang bị vũ khí tối tân và sự hậu thuẫn về hậu cần (một máy bay Dakota có thể nhẹ nhàng chở 4 tấn hàng từ Hà Nội, sau 1 giờ bay là có thể chi viện cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ). Trong khi đó, điều kiện tác chiến của chúng ta lại vô cùng khó khăn: Địa hình hiểm trở, xa hậu phương, phương tiện vận chuyển thô sơ, thiếu thốn về vũ khí, trang bị và lương thực.

Trước tình hình đó, Đảng ta - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục lãnh đạo toàn dân và toàn quân ta phát huy tới mức cao nhất đường lối và tinh thần tự lực cánh sinh, huy động sức mạnh toàn dân tộc để bảo đảm hậu cần, vũ khí và nhân lực cho chiến dịch.

Một trong những điều kỳ diệu nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là sự tham gia của toàn dân vào công tác hậu cần. Hơn 260 nghìn dân công được huy động tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược và khí tài quân sự bằng phương tiện thô sơ. Những chiếc xe đạp thồ trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên trì, sáng tạo, mỗi chiếc có thể chở đến 200 - 300 kg hàng hóa trên các địa hình hiểm trở.

Dân công, bộ đội đã vận chuyển từng bao gạo, từng viên đạn, từng khẩu pháo bằng phương pháp thô sơ qua những chặng đường dài đầy hiểm nguy. Những đoàn xe đạp thồ, những đôi bồ trên vai dân công… đã trở thành biểu tượng cho tinh thần tự lực cánh sinh của quân và dân Việt Nam. Không có xe cơ giới, không có đường sắt, máy bay…, chỉ bằng chính sức người, chúng ta vẫn đảm bảo đủ lương thực và đạn dược để chiến đấu và chiến thắng.

* * *

Với đường lối đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Thắng lợi này đã để lại những bài học quý cho Đảng, dân tộc Việt Nam và mỗi chúng ta hôm nay và mai sau. Dựa vào chính mình, phát huy nội lực, sáng tạo không ngừng, kết hợp và phát huy một cách đúng đắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - đó là con đường để sớm xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, văn minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn Báo Bình Định