CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp
Thứ tư 21/05/2025 08:28

Đó là đề xuất của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) khi tham gia thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, vào sáng 20.5.

Không trả lời đúng hạn tức là chấp thuận

Theo ĐB Đồng Ngọc Ba, thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh cũng như phạm vi, chức năng của Luật DN hiện hành đã được thực hiện khá tốt trong nhiều năm qua. Luật DN đã thể hiện vai trò quan trọng, đặc biệt đối với các thủ tục cơ bản như gia nhập thị trường thông qua đăng ký kinh doanh, hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh trong quá trình hoạt động của DN thuộc các ngành, nghề thông thường.

Tuy nhiên, ông cho rằng Luật DN không thể giải quyết toàn bộ các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Bởi, về bản chất, luật này chủ yếu quy định những nội dung mang tính chất “hộ tịch” của DN từ khi thành lập, hoạt động, cho đến khi rút khỏi thị trường, cùng với một phần về quyền, nghĩa vụ và quản trị DN. Trong khi đó, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các thủ tục liên quan lại được điều chỉnh chủ yếu bởi các luật chuyên ngành khác. Do đó, nếu chỉ cải cách trong phạm vi Luật DN thì vẫn còn hạn chế và chưa triệt để.

ĐB Đồng Ngọc Ba đặt ra vấn đề tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục cho DN. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Từ thực tiễn đó, ĐB Ba đề nghị cân nhắc bổ sung quy định theo nguyên tắc: “Đối với ngành, nghề kinh doanh thông thường, nếu cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ của DN, quá thời hạn giải quyết theo quy định nhưng không trả lời thì được coi là chấp thuận”.

Theo ông, đối với việc thành lập DN hoặc đăng ký/thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đối với các ngành, nghề thông thường, cơ quan đăng ký kinh doanh chủ yếu chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành để quyết định chấp thuận hoặc từ chối. Do vậy, hoàn toàn có thể áp dụng nguyên tắc nói trên trong thực tiễn.

“Nguyên tắc này đã được áp dụng trong một số lĩnh vực, nhưng với đăng ký DN thì vẫn chưa. Việc áp dụng sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục cho DN; thể hiện sự chuyển đổi tư duy từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ DN, tạo sự yên tâm và niềm tin cho DN”, ĐB Ba nhấn mạnh.

Cân nhắc mở rộng quyền thành lập DN cho người từ 16 - 18 tuổi

Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN, ĐB Đồng Ngọc Ba tham gia tranh luận với ĐB Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) liên quan đến đề xuất mở rộng quyền góp vốn và thành lập DN đối với người chưa thành niên (từ 16 - 18 tuổi).

ĐB Ba cho rằng, cần hết sức cân nhắc với đề xuất này. Trong hàng chục năm qua, Luật DN đã từng bước hoàn thiện các quy định về quyền gia nhập thị trường đối với tổ chức, cá nhân. Đối với cá nhân, Luật hiện hành phân biệt rõ 3 quyền: thành lập DN, quản lý DN (quản trị, điều hành), góp vốn.

Quyền thành lập và quản lý DN đòi hỏi người thực hiện phải đủ trưởng thành, có điều kiện về nhận thức, tư cách đạo đức cũng như các điều kiện khác có liên quan để tránh các xung đột lợi ích.

Trong khi đó, quyền góp vốn đã được pháp luật ghi nhận cho cả người chưa thành niên (không chỉ giới hạn ở độ tuổi từ 16 - 18), miễn là họ có quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Điều này nhằm tạo điều kiện huy động và tận dụng tối đa nguồn lực trong xã hội.

Ông dẫn chứng: Pháp luật hiện hành (cụ thể là khoản 2 Điều 17 của Luật DN) đã quy định rõ về sự phân biệt giữa các quyền này. Ngoài ra, một số nhóm đối tượng đặc thù như cán bộ, công chức, sĩ quan trong LLVT… cũng bị giới hạn quyền theo các luật chuyên ngành như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, hay các quy định về phòng, chống tham nhũng.

“Việc để người chưa thành niên trở thành sáng lập viên DN sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong quá trình điều hành, ký kết giao dịch và chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu toàn bộ các sáng lập viên đều là người chưa thành niên thì việc quản lý và điều hành DN sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời có thể tạo ra những tác động tiêu cực về mặt xã hội”, ĐB Ba phân tích.

Nguồn Báo Bình Định