Chiều 20.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận tại tổ về 3 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều 20.5. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Giữ hình phạt tử hình để đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh
Góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn bày tỏ ủng hộ chủ trương dần tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh. Tuy nhiên, ĐB Toàn đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc bỏ hình phạt tử hình đối với 3 tội danh: tham ô tài sản, nhận hối lộ và vận chuyển trái phép chất ma túy.
“Tham ô tài sản và nhận hối lộ là 2 tội danh chủ yếu trong nhóm tội tham nhũng. Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, việc giữ nguyên khung hình phạt tử hình đối với hai tội danh này là cần thiết để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước”, ĐB Toàn nhấn mạnh.
ĐB Lê Kim Toàn cho rằng việc giữ nguyên khung hình phạt tử hình đối với hai tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ là cần thiết. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tương tự, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ĐB Toàn cho rằng nên giữ khung hình phạt cao nhất là tử hình, bởi thực tế cho thấy tội phạm ma túy ngày càng gia tăng cả về quy mô và mức độ, từ đô thị đến nông thôn. Lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật không chỉ tính bằng gam, ký mà đến tạ, tấn. Đối với hành vi cố ý, gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn nên giữ khung hình phạt tử hình.
Cân nhắc hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy trái phép
Đối với nội dung quy định tại mục 42 bổ sung Điều 256a “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” sau Điều 256, ĐB Toàn bày tỏ băn khoăn. Theo quy định, trong quá trình đang đi cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc hay bị quản lý tại cộng đồng mà sử dụng ma túy trái phép thì bị khởi tố hình sự, khung hình phạt tù từ 2 - 3 năm.
“Liệu khi cách ly hoàn toàn khỏi xã hội bằng hình phạt tù thì có đảm bảo hiệu quả dứt nghiện không? Có khác gì so với việc đi cai nghiện bắt buộc tập trung trong thời gian 2 năm như Luật Phòng, chống ma túy quy định không? Trong khi đó, đi cai nghiện bắt buộc thì quyền công dân vẫn đảm bảo, còn hình phạt tù thì tước quyền công dân. Vậy thì hiệu quả cuối cùng đạt được đối với người sử dụng ma túy sẽ đến đâu?”, ĐB Toàn đặt vấn đề.
ĐB Toàn cũng nhắc lại rằng, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự trước đây, đã có quy định về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, sau đó xem xét nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố, Quốc hội các khóa đã bỏ quy định này ra khỏi Bộ Luật hình sự; bây giờ ta đưa trở lại thì cần phải có đánh giá, phân tích thấu đáo vấn đề này. Đồng thời, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định phương châm lấy phòng ngừa là chính, đồng thời kết hợp giữa trừng trị với giáo dục, cai nghiện, giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng....
Từ thực tế đó, ĐB Toàn kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể các nội dung liên quan đến các tội về ma túy để có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp. Mục tiêu cuối cùng là giúp người nghiện ma túy không còn bị chi phối bởi ma túy và phòng ngừa những hậu quả xấu có thể gây ra bởi người sử dụng ma túy.
Sớm có quy định về cơ cấu, tổ chức của CA cấp xã (mới)
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, ĐB Lê Kim Toàn thống nhất chủ trương giao thẩm quyền cho CA cấp xã (mới) để điều tra các loại tội phạm. Cụ thể là trưởng hoặc phó trưởng CA xã được thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, CA cấp tỉnh phân công có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, ĐB Toàn đề nghị sớm có quy định về cơ cấu, tổ chức của CA cấp xã (mới). Đồng thời, cần có hướng dẫn rõ ràng về mối quan hệ giữa cơ quan điều tra của CA cấp xã (mới) với Viện KSND, TAND khu vực theo cơ cấu, tổ chức của Viện KSND, TAND được thông qua tại kỳ họp này.
Quy định “vì động cơ đê hèn” còn chưa rõ
Tham gia góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, xung quanh quy định “giết người vì động cơ đê hèn thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (thành viên đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng quy định về tình tiết “giết người vì động cơ đê hèn” vẫn chưa rõ ràng.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần làm rõ thuật ngữ “vì động cơ đê hèn”. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Cảnh, trong thực tiễn ngành Tư pháp đã có hướng dẫn những trường hợp được xác định là “vì động cơ đê hèn”. Vì vậy, ĐB Cảnh đề xuất nên liệt kê cụ thể một số hành vi điển hình được xem là “đê hèn” trong Luật, để tránh cách hiểu mơ hồ.
Ngoài ra, ĐB Cảnh đề nghị làm rõ khái niệm “thầy giáo, cô giáo của mình” là thầy, cô toàn trường hay thầy cô đã, đang dạy mình. Trước tình trạng bạo lực tại cơ sở y tế ngày càng gia tăng, ĐB Cảnh đề xuất bổ sung vào Luật đối tượng cần được bảo vệ là “những người đã, đang chữa trị cho mình hoặc người thân”, nhằm đảm bảo trật tự xã hội và giữ gìn đạo đức truyền thống.
Nguồn Báo Bình Định
-
Hiệu quả từ những phong trào(21/05)