CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh (khóa XIII): Quan tâm sâu sát đời sống nhân dân
Thứ năm 12/12/2024 13:37

Chiều 11.12, Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XIII tiếp tục với phiên thảo luận tổ, thu hút nhiều ý kiến tâm huyết từ các đại biểu. Nội dung thảo luận xoay quanh việc cải thiện trách nhiệm của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa, giải quyết các vụ án tồn đọng, cũng như khắc phục bất cập trong giáo dục phổ thông.

Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận ở tổ, chiều 11.12. Ảnh: H.P

Bộ phận một cửa: Nhiều vấn đề cần thay đổi

Bộ phận một cửa (BPMC) cấp xã là vấn đề nhận được nhiều ý kiến phản ánh tại phiên thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) cho biết qua giám sát của MTTQ và tiếp xúc cử tri, cho thấy BPMC còn nhiều bất cập, khiến người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. “Một số công chức xem việc giải quyết thủ tục hành chính là “làm giùm”, không phải nghĩa vụ phục vụ người dân. Thái độ và hành xử của họ chưa đúng mực, gây khó dễ cho người dân,” bà Vũ nói.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Vũ (đơn vị Tây Sơn), Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết các cuộc kiểm tra công vụ năm 2024 tại 265 cơ quan, đơn vị đã ghi nhận những vi phạm về quy chế làm việc, đặc biệt là việc chưa triển khai tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sở cũng khảo sát 159 BPMC trên địa bàn tỉnh và kết quả cho thấy vẫn còn cán bộ vòi vĩnh, sách nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “BPMC hiện còn nhiều bất cập. Chúng ta cần rà soát lại, sửa đổi quy trình làm việc để đảm bảo vừa giải quyết tốt thủ tục hành chính cho người dân, vừa để công chức có thời gian làm công việc chuyên môn”. Theo ông, UBND tỉnh sẽ thí điểm tổ chức lại BPMC tại một số địa phương từ tháng 1.2025. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thông tin, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm tại thảo luận tổ. Ảnh: H.P

Áp lực giải quyết vụ án tồn đọng

Một vấn đề khác gây chú ý là việc giải quyết các vụ án tồn đọng. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) cho biết, trong số 2.773 vụ án dân sự thụ lý năm 2024, TAND hai cấp chỉ giải quyết được 1.947 vụ, đạt 70,2%, để lại 826 vụ chưa xử lý. “Cần làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để không tái diễn tình trạng này”, ông Hùng nói.

Chánh án TAND tỉnh Mai Anh Tài giải thích rằng khối lượng vụ án lớn, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi thẩm phán và thư ký tòa không đủ đáp ứng yêu cầu. Ông Tài nêu thêm: “Nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, cần xác minh bổ sung tài liệu hoặc chờ kết quả giám định, làm chậm tiến độ xét xử”.

Đại biểu Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) nhận định rằng một thẩm phán phụ trách 88 vụ/năm là quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Bà Thanh đề xuất: “Cần có giải pháp căn cơ, nâng cao năng lực xét xử để tránh việc chậm, muộn, sửa bản án”.

Đại biểu Trần Cang (đơn vị Phù Cát), Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, bổ sung: “Để đẩy nhanh tiến độ xét xử, TAND và Viện KSND cần thống nhất về hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng như giải thích pháp luật, nhất là trong các vụ việc liên quan đến đất đai”.

ĐB Nguyễn Thanh Vũ (đơn vị Tây Sơn) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết qua tổng hợp chung, ghi nhận ý kiến phản ánh vẫn còn cán bộ, công chức ở cấp xã khi giải quyết thủ tục hành chính có biểu hiện vòi vĩnh, sách nhiễu. Ảnh: H.P

Giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập

Lĩnh vực giáo dục cũng là chủ đề nóng tại phiên thảo luận. Đại biểu Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) nêu thực trạng một số trường tiểu học chỉ dạy một buổi sáng, gây khó khăn cho phụ huynh. Đại biểu Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) phản ánh tình trạng học sinh không đi học thêm bị giáo viên gây khó dễ.

Đại biểu Nguyễn Tấn Nghĩa (đơn vị Quy Nhơn) lo ngại về điều kiện vệ sinh tại các trường tiểu học: “Nhiều điểm trường lẻ thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đề nghị lãnh đạo ngành giáo dục cho biết biện pháp khắc phục”.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Hùng thừa nhận một số trường ở Quy Nhơn chưa đủ phòng học và giáo viên để tổ chức dạy hai buổi/ngày. Ông cho biết, Sở đã hướng dẫn các trường công khai kế hoạch dạy học để phụ huynh nắm rõ. Về vấn đề dạy thêm, ông Hùng cho rằng cần có giải pháp triệt để hơn để ngăn chặn tiêu cực.

Liên quan đến nhà vệ sinh trường học, ông Hùng khẳng định UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất và Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương khắc phục vấn đề này.

Đề xuất giải pháp toàn diện

Các đại biểu đều thống nhất rằng cần có những cải cách mạnh mẽ để giải quyết triệt để các vấn đề đang tồn tại. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu rà soát và cải thiện hoạt động BPMC, đồng thời điều chỉnh mô hình tổ chức để phù hợp với thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Vũ đề xuất tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong thực thi công vụ. Với lĩnh vực tư pháp, các đại biểu đề nghị bổ sung nhân lực, đặc biệt là thẩm phán và thư ký, nhằm giảm áp lực xét xử.

Trong giáo dục, các đại biểu kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà vệ sinh và phòng học. Họ cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XIII đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu đối với những vấn đề thiết yếu trong đời sống nhân dân, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách cho các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện hiệu quả quản lý và phục vụ nhân dân.  

Không để hộ nghèo “vung tay quá trán” khi được hỗ trợ

Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XIII, đại biểu Đặng Bá Lâm (đơn vị An Nhơn) nêu lên thực trạng đáng chú ý trong công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo. Ông cho rằng, dù chính sách hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát đã mang lại những kết quả tích cực, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm để đảm bảo hiệu quả bền vững.

Cụ thể, thời gian qua, các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để xây nhà mới và 25 triệu đồng/hộ để sửa chữa nhà. Trong giai đoạn tới, mức hỗ trợ này dự kiến tăng lên 60 triệu đồng/hộ xây nhà mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà. Tuy nhiên, theo ông Lâm, khảo sát thực tế cho thấy một số hộ đã xây dựng nhà ở với quy mô quá lớn, có khi lên đến 200 - 500 triệu đồng/căn. Sau khi hoàn thiện, những gia đình này rơi vào tình trạng không còn tiền để mua sắm vật dụng cần thiết, thậm chí vay nợ nhiều mà không có khả năng trả.

“Tỉnh cần quan tâm thiết kế các mẫu nhà phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, giới thiệu để các hộ dân tham khảo. Đồng thời, tuyên truyền để hộ nghèo, cận nghèo hiểu rõ việc xây nhà cần phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh gánh nặng tài chính sau này,” đại biểu Lâm đề xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đồng tình với ý kiến này và nhấn mạnh sự cần thiết của việc gắn công tác hỗ trợ nhà ở với định hướng rõ ràng. Ông cho rằng chính quyền các cấp cần trao đổi, phân tích kỹ lưỡng với các hộ dân để họ xây dựng nhà ở có quy mô hợp lý, vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, vừa phù hợp với khả năng kinh tế. “Không thể để hộ nghèo, cận nghèo xây được nhà xong thì lại đối mặt với một loại gánh nặng khác. Chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện triệt để và hiệu quả vấn đề này,” ông Tuấn kết luận.

 

   H.THU - N.HÂN - H.PHÚC - K.ANH - Nguồn Báo Bình Định