Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Nên phân bổ vốn đầu tư công cho các ngành, địa phương theo lĩnh vực và địa bàn
Tán thành cao với các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Đầu tư công mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, việc sửa đổi lần này đã tăng mạnh sự phân cấp, phân quyền đúng theo tinh thần “Trung ương kiến tạo, địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm”. Đồng thời, tăng tính chủ động của các cơ quan thụ hưởng ngân sách trong đầu tư công; bổ sung nhiều nội dung để tháo gỡ các điểm nghẽn trong đầu tư công hiện nay. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn tham gia góp ý 3 nhóm vấn đề.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Đầu tư công lần này đã tăng mạnh sự phân cấp, phân quyền đúng theo tinh thần “Trung ương kiến tạo, địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm”. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, theo ĐB Lê Kim Toàn, trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, một số nội dung về phân cấp, phân quyền như cho chủ trương, quyết định đầu tư công còn có nội dung khác nhau. Từ đó, ĐB Toàn đề nghị rà soát lại theo hướng cấp nào cho chủ trương đầu tư thì cấp đó có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư; không thể một cấp mà cho chủ trương đầu tư còn cấp thực hiện lại điều chỉnh chủ trương đầu tư, không đảm bảo tính thống nhất. “Quốc hội cho chủ trương đầu tư thì Quốc hội phải là cơ quan điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tương tự như vậy, ở cấp địa phương thì HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng theo hướng đó”, ĐB Toàn ví dụ.
Đối với việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công, ĐB Toàn cũng đề nghị cấp nào cho ý kiến về phân bổ thì phần còn lại chưa phân bổ phải do cấp đó phân bổ. Để thực hiện kịp thời phần đầu tư công chưa phân bổ có thể ủy quyền cho cấp dưới trực tiếp tiến hành phân bổ và báo cáo cho cấp có thẩm quyền trong thời gian gần nhất.
Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn, ĐB Toàn thống nhất cao với đề xuất danh mục đầu tư công ban đầu chỉ là cơ sở để xem xét, phân bổ vốn đầu tư công cho các lĩnh vực. Tuy vậy, theo ĐB Toàn, vì danh mục đầu tư công ban đầu chỉ là dự kiến và có thể điều chỉnh danh mục này trong quá trình thực hiện, là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét phân bổ vốn đầu tư công cho các ngành, lĩnh vực. Từ đó, ĐB Toàn đặt vấn đề khi cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và phân bổ nguồn vốn đầu tư công thì có nên thông qua danh mục đầu tư hay không? “Theo tôi, danh mục đầu tư công đã là dự kiến, sẽ có điều chỉnh thì không nên thông qua. Thực tế hiện nay, nhiều khi trong danh mục vốn đầu tư công, sửa một dấu phẩy hay sửa một từ so với nghị quyết đã được Quốc hội, HĐND tỉnh thông qua cũng phải trình lại Quốc hội, HĐND tỉnh xem xét”, ĐB Toàn phân tích.
Từ phân tích trên, ĐB Toàn cũng đề xuất nếu không thông qua danh mục đầu tư công cụ thể thì phân bổ vốn đầu tư công cho các ngành, địa phương nên phân theo lĩnh vực và địa bàn. “Trên lĩnh vực GTVT, Quốc hội sẽ thông qua tổng vốn đầu tư công của năm hoặc trung hạn để đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông trên cả nước. Tương tự như vậy là các lĩnh vực y tế, giáo dục, KH&CN...”, ĐB Toàn lấy ví dụ.
Về phân bổ vốn đầu tư công theo địa bàn, sẽ căn cứ vào diện tích, dân số, điều kiện phát triển KT-XH, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, định hướng phát triển của các địa phương, nhu cầu đầu tư, khả năng cân đối ngân sách của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung ương sẽ cân đối phân bổ cho các địa phương tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn trung hạn và hằng năm; còn làm cái nào trước, cái nào sau, dự án nào bao nhiêu, lĩnh vực cụ thể như thế nào thì cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm; báo cáo cấp có thẩm quyền việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công đã được phân.
Theo ĐB Toàn, nếu làm được điều này sẽ rút ngắn được thời gian và thực hiện đúng phương châm “Trung ương kiến tạo, địa phương tự quyết định và tự chịu trách nhiệm” về nguồn lực đã giao. Quá trình thực hiện, Trung ương cũng sẽ kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ cho các địa phương.
Thứ ba, ĐB Toàn đánh giá trong dự thảo Luật đã sửa đổi có bổ sung nhiều quy định hợp lý như tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công với những điều kiện cụ thể; giao Thủ tướng Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh, một địa phương được làm chủ đầu tư một dự án giữa hai địa phương. Từ thực tế, ĐB Toàn cũng đề xuất các cơ quan hữu quan và Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép địa phương này sử dụng nguồn vốn đầu tư công của mình đầu tư một dự án đầu tư công ở địa phương khác (được sự thống nhất của địa phương có dự án đầu tư) để phục vụ cho phát triển KT-XH và đời sống người dân của địa phương mình.
Xử lý đối với việc chậm nộp thuế cần kịp thời, dứt điểm
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, hiện dự thảo luật đưa ra 6 nhóm cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Đối với các quy định liên quan đến vấn đề chậm nộp thuế, dự thảo luật mới sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp, tại điểm b, khoản 2 Điều 59. Tuy nhiên, qua thực tiễn, ĐB Hạnh nhận thấy vấn đề chậm nộp thuế cần bổ sung, sửa đổi một số nội dung.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, hiện theo các quy định hiện hành thì có một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, xử lý chậm nộp… được phân cấp, giao thẩm quyền xử lý cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Và đối với cấp tỉnh thì chủ tịch UBND tỉnh phải báo cáo tình hình, kết quả cho HĐND cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước. “Tôi thấy rằng việc xử lý nộp chậm cần được xử lý kịp thời, dứt điểm, vì nếu do thủ tục, các quy định mà làm kéo dài thời gian thì mức phạt sẽ tăng. Vì vậy, tôi kiến nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về phân cấp, giao quyền miễn, giảm thuế, xử lý phạt chậm nộp thuế…, sẽ chủ động và phù hợp với thực tiễn hơn”, ĐB Hạnh nói.
Thứ hai, theo ĐB Hạnh, ở Điều 85 có một số quy định cụ thể các trường hợp miễn giảm thuế, phạt chậm nộp thuế…, qua rà soát trong thực tiễn, có một số trường hợp xảy ra mà cơ quan soạn thảo cần xem xét. Đó là trường hợp chủ đầu tư đã chịu hình phạt tù thì ai chịu nộp tiền phạt chậm nộp thuế và việc thu tiền chậm nộp phạt này rất khó khăn, bất khả thi; có trường hợp các cơ quan nhà nước hoặc cán bộ thuế hướng dẫn làm thủ tục sai dẫn đến chậm nộp thuế, mà nguyên nhân xuất phát từ trách nhiệm của người hướng dẫn, nếu người nộp thuế bị phạt thì vô lý; doanh nghiệp, HTX bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế thì chậm nộp tiền phạt, quy định này chưa tường minh và sẽ có vướng mắc, nảy sinh ra những thủ tục hành chính không cần thiết.
Để đảm bảo điều kiện cần và đủ cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực quản lý thuế, ĐB Hạnh đề xuất cần quan tâm bố trí kinh phí để hiện đại hóa ngành thuế trong thời đại kinh tế số.
Giải phóng các nguồn lực, tạo sự bứt phá
Tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương cũng đã họp, nhất trí rất cao về việc yêu cầu thực tiễn rất cần thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại một kỳ họp để giải quyết những điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tạo sự bứt phá. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ phù hợp với tiến trình phát triển và công tác quản lý hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải trình thêm về ý kiến của các ĐBQH quan tâm tại buổi thảo luận tổ, nhất là về quy định Quốc hội sẽ duyệt danh mục đầu tư công. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thông tin, giải trình thêm ý kiến của các ĐBQH quan tâm tại thảo luận tổ, nhất là về quy định Quốc hội sẽ duyệt danh mục đầu tư công, còn Chính phủ lại điều chỉnh danh mục đầu tư công, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Quốc hội, Chính phủ chỉ quyết định cơ cấu, còn lại giao cho địa phương. “Ví dụ tỉnh Bình Định năm nay chi ngân sách 22.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ (cả chi thường xuyên và đầu tư) khoảng 10.000 tỷ đồng, thì HĐND tỉnh sẽ phân bổ, Trung ương không can thiệp nữa. Quốc hội chỉ quyết định những dự án mang tầm quan trọng quốc gia, Chính phủ chỉ quyết định những dự án do các bộ, ngành làm chủ đầu tư hoặc những dự án liên tỉnh. Việc này sẽ cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư công”, đồng chí Hồ Đức Phớc dẫn chứng.
Đối với việc tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, theo Phó Thủ tướng, việc này sẽ đảm bảo công tác đền bù giải phóng mặt bằng đi trước một bước, giảm vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công trình, dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả nhanh.
Thống nhất với ý kiến của ĐB Lý Tiết Hạnh về việc xử lý chậm nộp thuế cần kịp thời, dứt điểm, đồng chí Hồ Đức Phớc cho rằng việc chuyển quyền của Quốc hội sang cho Chính phủ để Chính phủ giải quyết giảm hay là miễn đối với tiền phạt chậm nộp thuế để đảm bảo quyền lợi kịp thời cho DN và các cá nhân liên quan.
HỒNG PHÚC - P.PHƯƠNG - Nguồn Báo Bình Định