Chiều 27.7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong thời kỳ đổi mới - từ thực tiễn tỉnh Bình Định”.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: H.THU
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cùng sự tham dự của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, cùng đại diện các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: H.THU
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà, công tác xây dựng và tổ chức hoạt động của chính quyền các cấp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT - XH và củng cố nền tảng chính trị của tỉnh. Một hệ thống chính quyền vững mạnh và hiệu quả không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách cải cách mà còn đảm bảo quyền lợi và sự tham gia của người dân trong các hoạt động xã hội và quản lý nhà nước.
Chính quyền các cấp được tổ chức một cách khoa học, minh bạch và có trách nhiệm là nền tảng để nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường sự tin tưởng của người dân vào bộ máy nhà nước và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền các cấp sẽ giúp tỉnh tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua thách thức và khẳng định vị thế của mình.
Trong thời gian qua và nhất là từ khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới so với trước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định rõ ràng và cụ thể hơn, chuyển dần từ tư duy “quản lý xã hội” sang “quản trị xã hội, kiến tạo và phục vụ”; cơ cấu tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn; quá trình chuyển đổi số trong chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ công chức, viên chức được củng cố, kiện toàn, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Qua đó, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh. Năm 2023, chỉ số phục vụ người dân và DN trong công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của Bình Định xếp thứ nhất trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đồng chí Lê Kim Toàn phát biểu: Hội thảo là dịp để tỉnh Bình Định đánh giá lại quá trình tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; giúp nhận diện những kết quả đạt được, những mặt hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó các cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và kiện toàn tổ chức, hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu quả. Đồng thời, cũng cung cấp những cơ sở quan trọng để các cấp ủy và chính quyền địa phương trong tỉnh tham khảo những nội dung phù hợp, đưa vào định hướng xây dựng chính quyền các cấp trong văn kiện đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 của cấp mình.
Hội thảo nhận được 37 tham luận có chất lượng, tập trung làm rõ một số điểm chính sau: Thứ nhất, các chủ trương, đường lối về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, cơ sở lý luận, pháp lý để kiến tạo mô hình chính quyền địa phương ở Việt Nam phù hợp bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai, khẳng định rằng đến nay việc triển khai các Nghị quyết của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bình Định nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bình Định nói riêng còn một số hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc.
Thứ ba, nhận diện các thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bình Định nói riêng như: làm thế nào để khắc phục tình trạng cơ cấu của HĐND có tỷ lệ đại biểu chuyên trách chưa cao, nhiều đại biểu HĐND giữ các vị trí chủ chốt ở các ban ngành địa phương, các cơ quan của cơ quan hành chính nên chưa thực sự chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ, một số nơi, hoạt động của HĐND chất lượng chưa cao...
Thứ tư, đề xuất các định hướng, giải pháp, nhiệm vụ để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Bình Định nói riêng trong giai đoạn mới.
TS Lê Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, trình bày tham luận về Cải cách hành chính ở địa phương - Thực trạng, định hướng và giải pháp. Ảnh: H.THU
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn trình bày tham luận về Thực tiễn tổ chức và hoạt động của UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: H.THU
Đồng chí Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trao đổi về thực tiễn tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: H.THU
Các tham luận trình bày tại Hội thảo, cùng các ý kiến trao đổi, thảo luận, đã nhìn nhận, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV.
PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương, trao đổi về quan điểm và giải pháp hoàn thiện tổ chức cơ quan hành chính ở địa phương. Ảnh: H.THU
Các đại biểu của tỉnh, Trung ương được mời tọa đàm trên sân khấu về một số vấn đề liên quan trong chủ đề Hội thảo. Ảnh: H.THU
Qua Hội thảo cũng góp phần nêu rõ những nỗ lực của chính quyền tỉnh Bình Định với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, đã và đang thực hiện các biện pháp cải cách hành chính và dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Điều này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận các dịch vụ công. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng chú trọng đến việc phát triển KT - XH bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định và giám sát hoạt động của chính quyền. Những nỗ lực này đã tạo nên những kết quả tích cực, khẳng định vai trò của tỉnh Bình Định trong công cuộc đổi mới, đồng thời cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn có thể áp dụng cho các địa phương khác trong cả nước.
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận: Hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động chính quyền địa phương ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là từ những thành công của Bình Định trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, trong việc cung cấp luận cứ khoa học để góp phần tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước, cũng như các địa phương trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, trong đó có tỉnh Bình Định về việc kiện toàn, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trước thềm đại hội đảng bộ đảng bộ các cấp của tỉnh Bình Định và Đại hội Đảng lần thứ XIV.
GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: H.THU
Qua Hội thảo, đã làm rõ nhiều vấn đề lý luận và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực, có tính thực tiễn cao như: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương; tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế về tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, nhằm không ngừng đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND. Cần cơ chế phù hợp thực tiễn để thực hiện thành công việc sắp xếp cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm hướng đến xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại...
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: H.THU
HOÀI THU - Nguồn Báo Bình Định