Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2024), sáng 6.2, tại Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Vĩnh Thạnh long trọng tổ chức Lễ dâng hoa Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
Các đại biểu tham dự Lễ dâng hoa Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh. Ảnh: N. HÂN
Dự lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các lực lượng vũ trang và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lực lượng vũ trang và huyện Vĩnh Thạnh tham gia Lễ dâng hoa. Ảnh: N. HÂN
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thành kính dâng hoa lên Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dâng hoa. Ảnh: N. HÂN
Ngày 6.2.1959, Tỉnh ủy Bình Định đã lãnh đạo nhân dân 12 làng thuộc 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) đứng lên đấu tranh chống lại âm mưu dồn dân, lập ấp của địch. Tiêu biểu là hoạt động nổi dậy kết hợp với vũ trang của du kích và nhân dân hai làng Tơlok, Tơlek. Theo đó, nhân dân rời làng cũ vào rừng sâu lập làng mới, sống bất hợp tác với địch, chủ động cắm chông, gài bẫy ở tất cả con đường vào làng, tổ chức lực lượng tự vệ tuần tra canh gác ngày đêm sẵn sàng chiến đấu.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dâng hương viếng mộ đồng chí Nguyễn Trung Tín. Ảnh: N. HÂN
Quân địch tổ chức nhiều đợt càn quét, khủng bố nhưng đã bị du kích đánh bại, gây ra nhiều tổn thất, làm cho chúng hoang mang, khiếp sợ. Cuộc nổi dậy lan rộng dần ra nhiều làng, nhiều xã trên địa bàn huyện. Đến tháng 6.1959, đồng loạt hơn 50 làng của huyện Vĩnh Thạnh đã nhất tề đứng lên bẻ gãy các cuộc càn quét, đập tan âm mưu dồn dân của địch, giành quyền làm chủ trên địa bàn toàn huyện.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Vĩnh Thạnh viếng mộ đồng chí Nguyễn Trung Tín. Ảnh: N. HÂN
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là cuộc nổi dậy đầu tiên ở miền núi Khu 5. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã cổ vũ nhân dân các vùng lân cận trong tỉnh Bình Định vũ trang tự vệ chống địch và châm ngòi cho các cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc miền núi Khu 5 nổ ra sau đó, như Khởi nghĩa Bác Ái (Ninh Thuận ngày 7.2.1959), khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi ngày 28.8.1959.
Múa cồng chiêng tại Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2024). Ảnh: N. HÂN
Sau Lễ dâng hoa, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Vĩnh Thạnh đến viếng mộ, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Trung Tín - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - người đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định