Sáng 16.10, đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên họp thứ hai của Tổ.
Tại điểm cầu Bình Định, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách TTHC của tỉnh, chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.M
Hội nghị nêu bật các kết quả đã đạt được của công tác cải cách TTHC và chỉ ra các tồn tại, hạn chế.
Theo đó, thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, DN chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, DN ngày một được cải thiện.
9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90%, của bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022). Mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93%, của bộ, ngành đạt 76,6%.
15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công…
Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định vẫn còn tồn tại. Nhiều dịch vụ công trực tuyến thực hiện phức tạp, không đơn giản, thuận lợi hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính. Việc tăng số lượng hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất, còn có tình trạng làm thay, làm hộ người dân để đạt chỉ tiêu dẫn đến quá tải, chậm trễ trong tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa của một số cơ quan, đơn vị. Kết quả số hóa hồ sơ, cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử còn hạn chế, việc tái sử dụng kết quả đã được số hóa còn rất thấp. Việc phối hợp trong xử lý hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, nhất là các nhóm TTHC, dịch vụ công liên thông còn chưa hiệu quả…
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đề xuất một số giải pháp để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, DN.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu từng cấp, từng ngành phải xem công tác cải cách TTHC là việc rất quan trọng; kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN trong thực hiện cơ chế chính sách cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các công việc. Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC; nơi nào người đứng đầu quan tâm đến công tác cải cách TTHC, nơi đó có kết quả tốt, tích cực. Mặt khác, tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó hoàn thiện quy chế phối hợp bảo đảm rõ người, rõ việc…
NGUYỄN MUỘI - Nguồn Báo Bình Định