Ðó là chỉ đạo nổi bật của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Hồ Quốc Dũng tại hội nghị đánh giá kết quả công tác tư pháp, cải cách tư pháp, hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vào chiều 16.2.
Dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K.A
Nhiều chuyển biến tích cực
Trong năm 2022, hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp (CCTP) có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã hoàn thành các chương trình, kế hoạch công tác đề ra. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp đã quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác CCTP. Các cơ quan tư pháp đã tăng cường phối hợp để thống nhất về nhận thức trong việc áp dụng pháp luật; chủ động rà soát, phối hợp giải quyết nhiều vụ án, vụ việc khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài, các vụ án còn có quan điểm giải quyết khác nhau.
Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính tư pháp, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc ứng dụng các phần mềm, nhất là phần mềm theo dõi, đôn đốc thụ lý, giải quyết các vụ án, vụ việc trong các cơ quan tư pháp được quan tâm, phát huy hiệu quả. Các hoạt động bổ trợ tư pháp từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tuy vậy, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác tư pháp và CCTP. Nhiều án tồn đọng, quá hạn chưa đưa ra xét xử và thi hành án kịp thời, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Công tác hướng dẫn pháp luật và áp dụng thống nhất pháp luật của các cơ quan tư pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chất lượng, tiến độ công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc còn hạn chế.
Theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường, đa phần các vụ án bị đình chỉ, kéo dài trong nhiều năm là những vụ án dân sự liên quan đến đất đai. Quá trình thu thập, xác minh nguồn gốc, quá trình hình thành, quá trình quản lý sử dụng đất lại chưa nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan liên quan trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu nguồn gốc đất cũng như định giá tài sản. “Một khi việc thu thập, định giá không đầy đủ, chậm thì việc xét xử không thể thực hiện được; nếu xét xử cũng sẽ bị cấp trên trả, hủy”, ông Thường nói.
Các cơ quan tư pháp phối hợp khám nghiệm hiện trường một vụ án hình sự xảy ra tại địa bàn TX An Nhơn. Ảnh: K.A
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nguyễn Xuân Hồng cho biết, hiện việc xử lý tài sản để thi hành án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất giữa thực tế và giấy tờ có sự khác nhau về hiện trạng, diện tích; tài sản thế chấp khi xử lý bị giảm giá trị đáng kể, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP… “Có những vụ việc, người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm, không hợp tác và chủ động phối hợp để giải quyết thi hành án, dẫn đến có những vụ việc kéo dài hàng chục năm”, ông Hồng cho biết.
Ngoài ra, có một số vụ án, vụ việc để quá hạn, tạm đình chỉ, tồn đọng do lỗi chủ quan của cán bộ tư pháp chưa chủ động rà soát, phối hợp giải quyết dứt điểm; còn để xảy ra án hủy, án sửa, án trả hồ sơ để điều tra bổ sung do nguyên nhân chủ quan…
Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật
Trước thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ chỉ đạo, đôn đốc UBND các cấp và cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp trong công tác định giá tài sản, giám định, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho hoạt động điều tra, giải quyết, xét xử và thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh vững về chuyên môn, bản lĩnh, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thi hành dứt điểm các vụ việc dân sự kéo dài, nhất là các vụ việc có tài sản đã tổ chức bán đấu giá để thi hành án nhưng chưa bàn giao được cho người mua.
Còn đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc CA tỉnh, cho biết sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hạn chế việc tạm giữ, tạm giam trong các vụ án kinh tế, không “hình sự hóa” các quan hệ dân sự. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp tỉnh chủ động rà soát, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ án còn tồn đọng, kéo dài đã có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác CCTP, song Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và yêu cầu các cơ quan tư pháp của tỉnh tiếp tục tập trung phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định trong công tác tư pháp. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, còn ý kiến khác nhau từ hình sự đến dân sự, để hạn chế án hủy, sửa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
“Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể và các cơ quan tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ công tác CCTP. Tăng cường phối hợp, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng điều tra các vụ án, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, các vụ việc được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của tỉnh đưa vào diện theo dõi. Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án; đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Các cơ quan tư pháp tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
KIỀU ANH - Nguồn Báo Bình Định