Chiều 13.10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Mặt trận, các tổ chức thành viên và một số sở, ngành của tỉnh trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tham dự Hội nghị có các đại biểu: ĐBQH Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng một số ĐBQH trong đoàn; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.
Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Mặt trận, các tổ chức thành viên. Ảnh: HỒNG PHÚC
Hội nghị đã nghe Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Mặt trận, các tổ chức thành viên, một số sở, ngành của tỉnh gửi đến ĐBQH để phản ánh với Kỳ họp thứ 4.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: HỒNG PHÚC
Theo đó, các kiến nghị xoay quanh các vấn đề: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá; quan tâm rà soát, điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; sớm nâng mức lương, tăng mức hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Cử tri đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá thực tế, trên cơ sở quy mô về diện tích, dân số… cụ thể, để xây dựng khung biên chế phù hợp cho các tỉnh, các địa phương tương đồng, tránh tình trạng tinh giản cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị. Cần có giải pháp khắc phục hiệu quả, giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư trang thiết bị y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh.
Các đại biểu trực tiếp nêu kiến nghị đến ĐBQH tại Hội nghị tiếp xúc. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; quan tâm sớm cho phép xây dựng Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế và nâng cấp tuyến QL1, QL 19 qua địa bàn tỉnh...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng trực tiếp nêu một số ý kiến, kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh như: Việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công còn bất cập; chính sách hoạt động cho các hội đặc thù và không đặc thù còn nhiều vướng mắc; cần có chính sách cải cách chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế; điều chỉnh giá dịch vụ y tế và đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công để có sự điều chỉnh phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc, đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, cử tri đều rất xác đáng, Đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu, trao đổi với các đơn vị có trách nhiệm liên quan, phản ánh lên diễn đàn Quốc hội. Đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng dành thời gian trả lời, thông tin về một số nhóm vấn đề lớn mà đại biểu, cử tri quan tâm. Trong đó, liên quan đến kiến nghị của cử tri đối với ngành y tế, đồng chí Lê Kim Toàn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, Quốc hội sẽ đánh giá tình hình thực hiện gói hỗ trợ để phục hồi phát triển KT-XH sau đại dịch Covid-19, trong đó có gói dành riêng cho y tế; đồng thời cũng sẽ xem xét, cho ý kiến thông qua Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng tăng chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường nhân lực, tài lực, vật lực cho hệ thống y tế. Ngoài ra, Quốc hội sẽ thông qua Luật giá (sửa đổi) mà Bộ Tài chính trình, trong đó có quy định về những giá của các loại hàng đặt biệt, không tương đồng trong đó có giá thuốc để sửa đổi những bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, cử tri đều rất xác đáng. Ảnh: HỒNG PHÚC
Phát biểu thông tin thêm với các đại biểu, cử tri, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Đối với vấn đề chống lạm phát, duy trì sản xuất kinh doanh, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ tích cực điều hành chính sách tài khóa hết sức mở rộng và linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt đối với công tác thu ngân sách, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội giảm thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, năm 2022 sẽ gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng số tiền khoảng 233 nghìn tỷ. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất một gói kích cầu 347 nghìn tỷ cho nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực y tế khoảng 14.000 tỷ đồng; ngoài ra còn cho người dân vay sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp; cho công nhân vay tiền thuê nhà...Về vấn đề điều chỉnh chính sách tiền lương, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1.7.2023, để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Đối với lĩnh vực y tế, sắp tới cũng sẽ tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm với các đại biểu, cử tri về vấn đề chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: HỒNG PHÚC
Dịp này, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác đã trao bảng tượng trưng tặng 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh.
Dịp này, đồng chí Bộ Trưởng Bộ Tài chính cùng đoàn công tác đã trao bảng tượng trưng tặng 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định