Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh, đã chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình PCCC tại các khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 15 khu dân cư an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ
Trong tháng 4 và tháng 6.2022, UBND xã Phước Sơn và thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đã tổ chức ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” trên địa bàn thôn Phụng Sơn và khu phố Trung Tín 2. Đặc điểm chung ở các khu vực này là tập trung nhiều nhà ở liền kề, đường vào các khu dân cư nhỏ hẹp nên xe chữa cháy khó di chuyển; khi có sự cố cháy nổ xảy ra dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Sau khi có mô hình, các địa phương đã thành lập ban điều hành và đội PCCC dân phòng tại chỗ. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp dân để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về PCCC&CNCH theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm nâng cao ý thức tự giác, tự phòng ngừa cháy, nổ.
Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức huấn luyện, trang bị kỹ năng chữa cháy cho thành viên các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh: N.H
Được tuyên truyền, người dân địa phương đã tự giác mua bình chữa cháy, tháo dỡ vật cản tại các ngõ hẻm, khu vực lấn chiếm lòng, lề đường để tạo thông thoáng cho xe cứu hỏa hoạt động khi xảy ra sự cố. Anh Đỗ Thanh Long (ở khu phố Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước) chia sẻ: “Trước đây, bà con chưa nắm bắt các kiến thức PCCC nên khi xảy ra cháy thường lúng túng không biết xử lý tình huống như thế nào cho hiệu quả. Từ khi được phổ biến các biện pháp an toàn về PCCC, tôi luôn nhắc nhở mọi người trong gia đình thận trọng khi sử dụng lửa, điện trong sinh hoạt, khi ra khỏi nhà phải tắt hết điện, khóa bình gas”.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo: Các hộ dân kết hợp sản xuất, kinh doanh cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Chú trọng trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy và biết cách sử dựng những phương tiện này. |
Còn ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay: Qua các bước tuyên truyền và vận động, đến nay đã có 100% hộ dân ở thôn Phụng Sơn ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; thực hiện đầy đủ các quy định, điều kiện an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, mỗi hộ còn tự trang bị dụng cụ chữa cháy như bình xịt khí hóa lỏng, thường xuyên nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện các quy định an toàn về PCCC.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết: Qua đánh giá, các mô hình khu dân cư an toàn PCCC bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền và người dân trong công tác PCCC.
“Thông qua các mô hình này, chính quyền các địa phương, đơn vị, hộ dân ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong công tác PCCC, quan tâm củng cố lực lượng dân phòng PCCC tại cơ sở. Từ đó, phát huy tác dụng phương châm 4 tại chỗ, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy, nổ gây ra”, đại tá Nguyễn Văn Long khẳng định.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình khu dân cư an toàn PCCC; triển khai nhiều đợt huấn luyện cho người dân và lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đặc biệt là lập và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, cách thoát nạn khi có cháy xảy ra. Tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC tại các khu dân cư; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC.
NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định