Trong năm 2024, Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản vào các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào Cai… Ðặc biệt, các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ đang được các nhà bán lẻ lớn quan tâm.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp
Trong tháng 10, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện Đề án Hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến bán hàng thông qua thương mại điện tử (TMĐT) với 2 nội dung: Hội thảo hướng dẫn, định hướng kết nối DN với các DN TMĐT trong cả nước phát triển thị trường thông qua TMĐT cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên; triển lãm các mô hình công nghệ trong TMĐT và các sản phẩm đăng ký tham gia thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2024…
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng nông sản các xã tại Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: HẢI YẾN
Tại Hội nghị xúc tiến kết nối xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản tại tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Văn Xong, chủ Cơ sở sản xuất sen và nông sản xanh Năm Xong (TX Hoài Nhơn), tham gia giới thiệu các mặt hàng trà sen, bột hạt sen.
Ông Xong chia sẻ: Lần đầu tiên tôi được hỗ trợ tham dự hội nghị lớn, kết nối các đơn vị xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc). Nhu cầu thu mua nông sản, kể cả nông sản qua chế biến ở Trung Quốc khá lớn, nhưng yêu cầu khắt khe hơn, nhất là phải hợp chuẩn VietGAP, hữu cơ. Phải đáp ứng được tiêu chí này mới có cơ sở tính đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất, liên kết xuất khẩu. Cơ sở chúng tôi có lợi thế đáng kể là sản phẩm đã khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đang hướng đến sản xuất xanh. Tôi mong có thêm nhiều chương trình kết nối để mở rộng kênh tiêu thụ vào các siêu thị, tham gia được nhiều thị trường hơn.
Trong khi đó, tại sự kiện hợp tác phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ trong tháng 10, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty CP IPP Sachi (TX Hoài Nhơn), chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Bình Định, công ty đã từng bước đưa sản phẩm vào các hệ thống Winmart, Co.opmart và một số hệ thống siêu thị khác. Ngoài ra, công ty được hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách kết nối đầu tư cũng như kết nối thị trường, được hỗ trợ cơ sở hạ tầng... Tại hội nghị, đại diện Công ty CP IPP Sachi đã làm việc với Công ty CP thương mại Bách Hóa Xanh để đưa sản phẩm Bình Định vào chuỗi cửa hàng của đơn vị này.
Chinh phục khách hàng bằng chất lượng
Toàn tỉnh hiện có 185 DN, HTX nông nghiệp đang hoạt động sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó đáng chú ý có: HTX Nông nghiệp Ân Tín (Hoài Ân) sản xuất 5 ha lúa; HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio (Phù Mỹ) sản xuất nấm, cung cấp phôi nấm theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng bình quân 25.000 bịch phôi nấm/tháng và 1,5 tấn nấm thành phẩm/tháng; HTX Nông nghiệp hữu cơ Lộc Tín (Tuy Phước) có sản phẩm rau má và rau diếp cá với diện tích 2 ha; HTX Nông sản hữu cơ Nhơn Hậu (TX An Nhơn) với diện tích 1,4 ha rau củ quả; HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thực hiện dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ bưởi da xanh và các sản phẩm rau hữu cơ trên địa bàn huyện Hoài Ân, diện tích hàng trăm héc ta…
Hiện nay, toàn huyện Hoài Ân có hơn 1.900 ha các loại cây ăn trái (bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái) được canh tác theo hướng sản xuất bền vững. Huyện đã xây dựng 8 nhãn hiệu tập thể và trên 60 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao...
Ông Lê Quốc Lập, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, chia sẻ: Năm 2024, HTX đã kết nối 167 hộ trên địa bàn huyện và tiêu thụ hơn 470 tấn nông sản các loại, trong đó có 256 tấn bưởi da xanh, 97 tấn dưa hấu, 10 tấn ổi và một số rau củ quả… HTX đã mở rộng thị trường đến các cửa hàng rau sạch trong và ngoài tỉnh cũng như hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống Postmart… Chúng tôi đang tập trung liên kết các hộ nông dân sản xuất nông sản hữu cơ các sản phẩm gạo, bưởi, ổi…
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, đánh giá: Sở luôn quan tâm đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào hệ thống các siêu thị và các bếp ăn tập thể; kết nối hệ thống tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sở tiếp tục đưa ra phương án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ mới, góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” sang “chinh phục” người tiêu dùng với nông sản chất lượng cao, tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ.
HẢI YẾN - nguồn Báo Bình Định