CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/02/1902 - 01/02/2022): CÔNG LAO TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHONG SẮC ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở TRUNG KỲ (1929 - 1931)
Thứ tư 26/01/2022 16:49

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tên thật là Nguyễn Đình Sắc) sinh ngày 01/02/1902 tại Hà Nội, thuộc lớp học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là cán bộ tiền bối, có công lao to lớn trong buổi đầu xây dựng Đảng và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng chí là tấm gương sáng, là người lãnh đạo mẫu mực tiêu biểu, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, kiên cường bất khuất trước quân thù, giữ trọn khí tiết của người đảng viên, người cách mạng. Tên tuổi đồng chí Nguyễn Phong Sắc gắn liền với lịch sử của quá trình xây dựng, phát triển của Đảng bộ Trung Kỳ, với Xô viết Nghệ - Tĩnh oanh liệt, thể hiện ở những đóng góp to lớn sau:

Lãnh đạo xây dựng, phát triển tổ chức đảng ở Trung Kỳ

Tháng 6/1929, ngay sau khi tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí được phân công vào Trung Kỳ để xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Trên cơ sở nắm vững tình hình, đồng chí Nguyễn Phong Sắc liên lạc với Tỉnh bộ Thanh niên Nghệ An và lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng; chỉ đạo ra tờ báo Bônsơvích, in truyền đơn, in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng lưu hành bí mật trong các cơ sở cách mạng. Đồng chí trực tiếp gặp gỡ thành viên của các chi bộ Thanh niên, Tân Việt, vận động họ xin gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Nhờ đó, nhiều đảng viên Tân Việt xin vào Đông Dương Cộng sản Đảng, các chi bộ Thanh niên đã chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng. Khi tổ chức đảng phát triển mạnh, thành hệ thống ở Nghệ - Tĩnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tiếp tục cho xây dựng tổ chức đảng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh của Lào.

Cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc lập Phân ban Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng, đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Đầu năm 1930, sau Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Trung ương lâm thời và tiếp tục được Đảng giao phụ trách Trung Kỳ. Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giao, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chuyển Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng thành Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, đồng chí triệu tập Hội nghị liên tịch giữa ban lãnh đạo của Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam với ban lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ, lập ra Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Tới tháng 3/1930, Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ đã lãnh đạo thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ,...

Đi liền với xây dựng đảng về tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn đặc biệt chú ý vấn đề bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở của Đảng. Đồng chí chỉ đạo Kỳ bộ ra báo Người lao khổ và trực tiếp định hướng công tác tư tưởng, chỉ đạo công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của các tổ chức đảng. Bí thư Nguyễn Phong Sắc trực tiếp truyền đạt cho các tổ chức đảng của Kỳ bộ những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh của Đảng được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng. Đồng chí căn dặn các tổ chức đảng phải biết chọn lựa những người biết đặt quyền lợi chung của cách mạng, của dân tộc, của Đảng lên trên quyền lợi riêng; gan dạ, vững vàng trước mọi vũ lực và thủ đoạn mua chuộc, lừa phỉnh của kẻ thù. Có như vậy, Đảng mới vững, mới hoàn thành vai trò tiên phong lãnh đạo dân chúng giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí tiếp tục được Đảng phân công phụ trách Trung Kỳ. Theo quyết định của Hội nghị tháng 10/1930 của Đảng, có thêm cấp Xứ ủy trong hệ thống tổ chức của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị Phân cục Trung ương Trung Kỳ thành lập Xứ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu Xứ bộ là Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Đồng thời, chỉ đạo Xứ ủy ra báo Công - nông - binh, làm cơ quan ngôn luận, chỉ đạo và hướng dẫn hệ thống tổ chức đảng của Xứ bộ thống nhất hành động trong lãnh đạo thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, của Xứ ủy.

Như vậy, nhờ cách làm đúng đắn, sáng tạo, tích cực mà chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo xây dựng, thống nhất các lực lượng cộng sản ở Trung Kỳ vào hệ thống tổ chức duy nhất là Phân cục Trung ương Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam; đến cuối năm 1930, hệ thống tổ chức này được xây dựng thành Xứ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương, với 1.425 đảng viên.

Xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ

Giữa năm 1929, vừa vào tới Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trực tiếp tham gia giác ngộ, tập hợp những công nhân, nông dân gắn bó với Đảng; đồng chí đã sử dụng các tờ báo của Xứ bộ, của các Đảng bộ tỉnh, huyện và cả tờ Búa liềm của cơ quan Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng để tuyên truyền, vận động mở rộng tổ chức đảng và giác ngộ, tổ chức quần chúng nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 10/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Nghệ An; chỉ đạo Hội nghị thành lập Tổng Nông hội đỏ Nghệ An. Đầu tháng 11/1929, đồng chí thành lập Tổng Sinh hội đỏ Nghệ An và cho xuất bản báo Xích sinh. Trên cơ sở đó, đồng chí đã điều một số cán bộ của các tổ chức này đi tới các tỉnh khác ở Trung Kỳ để xây dựng và phát triển các tổ chức cách mạng quần chúng. Khắp nơi, các hội ái hữu, tương tế... đã ra đời. Đặc biệt là sự liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân “làm gốc” đã được xây dựng làm cơ sở liên minh cách mạng giữa công nông với các tầng lớp quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tổ chức quần chúng thực hành đấu tranh giành những mục tiêu của cách mạng

Ngày 20/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì cuộc họp của lãnh đạo Kỳ bộ Trung Kỳ và Tỉnh bộ Nghệ An để thông qua kế hoạch lãnh đạo phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, nhằm biểu dương lực lượng, đòi những quyền lợi thiết thực cho công nông. Đồng chí cùng Phân cục Trung ương Trung Kỳ bám sát, chỉ đạo sát sao từng bước cuộc đấu tranh, kịp thời rút kinh nghiệm, củng cố, giữ vững tinh thần quật khởi của quần chúng. Những cuộc đấu tranh liên tiếp ở Nghệ - Tĩnh đã hợp thành một đợt “sóng thần” cuốn trôi chính quyền địch ở một số làng xã và các huyện; trên khí thế đó đã hình thành tự phát một kiểu chính quyền hoàn toàn mới là “chính quyền Xô viết” ở các làng xã.

Trong những ngày đấu tranh sôi động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc không quản gian khổ, hy sinh, làm việc hết mình cho sự thắng lợi của các cuộc đấu tranh. Ban ngày đi chỉ đạo, ban đêm đồng chí thức trắng để viết bài đăng trên các báo của Đảng nhằm kịp thời động viên, khích lệ và uốn nắn những lệch lạc của từng cuộc đấu tranh; đồng thời vạch mặt kẻ thù, kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh giành lấy tự do cơm áo và các lợi quyền thiết thực khác. Sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bí thư Nguyễn Phong Sắc là một yếu tố làm cho phong trào phát triển rất nhanh, rất mạnh, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều địa phương, chẳng những quần chúng đòi được nhiều lợi quyền mà còn làm cho kẻ thù nhận thấy, từ khi nước Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước Việt Nam, chưa bao giờ có một nguy cơ nào đe dọa an ninh nội bộ lớn hơn, thực sự hơn lúc này.

Tuy trong hoàn cảnh rất khó khăn, đồng chí vẫn mở các lớp bồi dưỡng giúp cho các chi bộ cơ sở xác định rõ vai trò của đảng viên và cốt cán các đoàn thể khi phong trào bị khủng bố, bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cho họ trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo toàn tới mức cao nhất có thể các lực lượng cách mạng. Chính nhờ vậy, tuy phong trào bị khủng bố đẫmmáu, hầu hết các cơ sở đảng và tổ chức quần chúng bị địch phá vỡ, nhưng chúng không thể tiêu diệt được một lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo, rộng khắp với ý chí và niềm tin sắt son vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Thực tiễn lịch sử cho thấy, sau thời kỳ bị “khủng bố trắng”, toàn bộ Xứ ủy bị bắt, bị giết, bị tù đày, hàng trăm quần chúng cách mạng hy sinh, thì chỉ mấy năm sau Xứ ủy Trung Kỳ được khôi phục, hệ thống tổ chức đảng, tổ chức quần chúng lại được tái lập từ Xứ đến các tỉnh, thành, huyện, tổng, xã, làng.

Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931, là mốc son chói lọi và huy hoàng đầu tiên trong toàn bộ lịch sử vẻ vang của Đảng và của cách mạng nước ta, mà trong đó, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc chính là linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc sống mãi trong lòng của đồng bào Nghệ - Tĩnh, đồng bào Trung Kỳ, cùng dân tộc. Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nghệ - Tĩnh, nhân dân Trung Kỳ những năm 1929 - 1931, với tư cách là người đứng đầu tổ chức và lãnh đạo mãi mãi là điểm sáng trong những kinh nghiệm, bài học của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

            Nguyễn Triều Tiên