Sáng 28.4, thực hiện Kế hoạch của Cục Chính trị Hải quân về tổ chức các hoạt động chính sách nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025); 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7.5.1955 - 7.5.2025), tại di tích lịch sử Nơi cập bến tàu không số (bãi biển thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn), Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp với tỉnh Bình Định, TX Hoài Nhơn tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại biểu dự Lễ tưởng niệm tại di tích lịch sử Nơi cập bến tàu không số. Ảnh: H.THU
Tham dự có các đồng chí: Đại tá Phạm Đình Thành - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Bộ CHQS tỉnh, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Thị ủy, UBND TX Hoài Nhơn, nhân chứng của Tàu không số…
Đại tá Phạm Đình Thành - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân sửa hoa trước khi các đại biểu dâng hương. Ảnh: H.THU
Các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và nhân dân hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại diện Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Hải quân đọc diễn văn ôn lại truyền thống cách mạng của quê hương Hoài Nhơn anh hùng qua hai cuộc kháng chiến, đã chịu nhiều hy sinh. Quân và dân Hoài Nhơn với tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất, đã làm nên nhiều chiến công lẫy lừng, góp phần vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lê Văn Nốt, thuyền viên tàu không số cập bến Lộ Diêu năm xưa (thứ hai từ trái qua) dự Lễ tưởng niệm. Ảnh: H.THU
Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh vũ trang tại khu V trong năm 1964, việc cấp vũ khí cho khu V lúc này là một nhiệm vụ cấp bách, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu kết hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở bến chi viện vũ khí cho vùng ven biển khu V. Việc vận chuyển vũ khí vào khu V bằng đường biển là nhiệm vụ hết sức phức tạp, mạo hiểm, do các bến ở khu V phần lớn là bến ngang tàu không vào gần được và dễ mắc cạn. Bên cạnh đó, khu vực này có đông quân địch kiểm soát rất gắt gao, tàu rất dễ bị lộ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn dâng hương tại di tích. Ảnh: H.THU
Chấp hành Chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Hải quân, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm làm tốt công tác chuẩn bị bến bãi, chuẩn bị con người và tàu thuyền, phương án trả hàng. Qua đó, quyết định chọn bến Lộ Diêu là bến đầu tiên mở đường nhận vũ khí vào khu V, chọn con tàu 401 do thuyền trưởng Phạm Vạn, chính trị viên Phạm Văn Thanh chỉ huy, cùng 8 thủy thủ thực hiện nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, thể hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, tạo mọi khả năng chi viện cho chiến trường.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại di tích . Ảnh: H.THU
Nhiệm vụ này được Bộ quốc phòng, Quân chủng Hải quân đặt kỳ vọng rất cao. Sau khi làm tốt công tác chuẩn bị, ngày 25.10.1964, tàu chở vũ khí nhổ neo, ngụy trang thành tàu đánh cá, bắt đầu hành trình vận chuyển hơn 30 tấn vũ khí vào khu V, nhưng nhiều lần phải quay lại và tránh, trú bão, sóng to, gió lớn, đồng thời vượt qua sự theo dõi, truy đuổi, kìm kẹp gắt gao của địch. Đến 4 giờ sáng 1.11.1964, tàu 401 đến được bến Lộ Diêu. Cán bộ, chiến sĩ tàu 401 phối hợp cùng lực lượng quân và dân địa phương bốc hết vũ khí vào bờ, cất giấu an toàn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ TX Hoài Nhơn. Ảnh: H.THU
Đây là chuyến tàu không số đầu tiên vào khu V, con tàu duy nhất cập bến Lộ Diêu. Số vũ khí tiếp nhận được do tàu 401 chuyển đã kịp thời trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu V và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định, góp phần quan trọng vào chiến thắng Đông Xuân 1964 - 1965.
Trước đó, cũng trong sáng 28.4, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn và các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ TX Hoài Nhơn.
HOÀI THU - nguồn Báo Bình Định