* HĐND tỉnh thông qua 16 nghị quyết
Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, cuối buổi sáng 28.4, Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề lần thứ 15) của HĐND tỉnh khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, có thể nói rằng, kỳ họp lần này là Kỳ họp quyết định những nội dung “mang tính lịch sử” của HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đó là, HĐND tỉnh đã quyết định thông qua nghị quyết về thống nhất chủ trương sáp nhập tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai và nghị quyết sáp nhập sắp xếp các xã, phường mới để thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp kể từ ngày 1.7.2025.
Theo đánh giá của đồng chí Hồ Quốc Dũng, việc ban hành nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định là kết quả của sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, toàn diện, chu đáo cả về yếu tố truyền thống văn hóa, lịch sử, cả về tâm tư nguyện vọng, tình cảm của nhân dân.
Cùng với đó, nghị quyết về chủ trương sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định là cần thiết để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí quản lý nhà nước và tạo nguồn lực mới cho phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
“Việc nhập 2 tỉnh sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển KT-XH, tạo không gian phát triển mới, kết hợp tiềm năng to lớn của vùng Tây Nguyên với phát triển kinh tế biển của Bình Định. Tỉnh Gia Lai mới có vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực tam giác phát triển: Việt Nam - Lào - Campuchia và tạo cơ hội cho chuỗi nông sản, du lịch, công nghiệp, kinh tế biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Cùng với ban hành 2 nghị quyết mang tính lịch sử nói trên HĐND tỉnh đã thông qua 14 nghị quyết trên các lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư công, bố trí nguồn lực đối ứng cho Dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - một công trình trọng điểm có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT-XH, liên kết vùng của tỉnh và một số nghị quyết quan trọng khác.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Để triển khai kịp thời các nghị quyết được thông qua, Chủ tịch HĐND tỉnh tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện đầy đủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; chủ động xây dựng các phương án, để báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm bộ máy mới bắt tay vào hoạt động ngay theo nghị quyết của Quốc hội, phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, đảm bảo không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Tích cực trong chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của tỉnh và giải quyết các yêu cầu của người dân, DN, bảo đảm thông suốt, liên tục, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc hay chậm trễ.
Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương.
“Từ nay đến ngày hệ thống chính trị các cấp sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động không còn nhiều, do đó tôi đề nghị, với tinh thần và trách nhiệm cao, các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH và các nhiệm vụ chính trị khác theo yêu cầu của Trung ương và của Tỉnh ủy, đây cũng là dịp để đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới”, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng, kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của tỉnh sẽ được tổ chức sớm hơn so với thường lệ (dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6.2025), do đó, đề nghị UBND tỉnh chủ động triển khai các nội dung chuẩn bị trình kỳ họp; chỉ đạo việc rà soát, đánh giá hiệu quả các nghị quyết cần tiếp tục triển khai sau khi hợp nhất tỉnh, báo cáo Ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh và trình HĐND tỉnh mới xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Đồng thời, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh chủ động triển khai việc tổng kết nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XIII theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai trong việc hợp nhất tổ chức bộ máy các cơ quan của HĐND tỉnh mới sau sáp nhập theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
* 16 NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC HĐND TỈNH KHÓA XIII THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 23:
1. Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025.
2. Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.
3. Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
4. Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025.
5. Nghị quyết về bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
6. Nghị quyết quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định.
7. Nghị quyết kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
8. Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
9. Nghị quyết bổ sung danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Định.
10. Nghị quyết gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
11. Nghị quyết về giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo Nhà khách Thanh Bình làm nhà ở công vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
12. Nghị quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
13. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐND ngày 21.3.2025 của HĐND tỉnh.
14. Nghị quyết về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
15. Nghị quyết về bãi bỏ Nghị quyết số 54/2019/NQ -HĐND ngày 13.12. 2019 của HĐND tỉnh Bình Định về Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Bình Định.
16. Nghị quyết về xác nhận kết quả giải quyết của Thường trực HĐND tỉnh về những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp.
* Theo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025, sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 17 phường, tỉ lệ giảm 62,58%.
Cụ thể, TP Quy Nhơn còn 5 phường và 1 xã, gồm các phường: Quy Nhơn, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, xã đảo Nhơn Châu.
TX An Nhơn còn 5 phường và 1 xã, gồm các phường: Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Đông, An Nhơn Nam, An Nhơn Bắc, xã An Nhơn Tây.
TX Hoài Nhơn còn 7 phường: Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Tam Quan, Hoài Nhơn Đông, Hoài Nhơn Tây, Hoài Nhơn Nam, Hoài Nhơn Bắc.
Huyện Phù Cát còn 7 xã: Phù Cát, Xuân An, Ngô Mây, Cát Tiến, Đề Gi, Hòa Hội, Hội Sơn.
Huyện Phù Mỹ còn 7 xã: Phù Mỹ, An Dương, Bình Dương, Phù Mỹ Đông, Phù Mỹ Tây, Phù Mỹ Nam, Phù Mỹ Bắc.
Huyện Tuy Phước còn 4 xã: Tuy Phước, Tuy Phước Đông, Tuy Phước Tây, Tuy Phước Bắc.
Huyện Tây Sơn còn 4 xã: Tây Sơn, Bình Khê, Bình Phú, Bình Hiệp.
Huyện Hoài Ân còn 5 xã: Hoài Ân, Ân Tường, Kim Sơn, Vạn Đức, Ân Hảo.
Huyện Vân Canh còn 3 xã: Vân Canh, Canh Vinh, Canh Liên.
Huyện Vĩnh Thạnh còn 4 xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn.
Huyện An Lão còn 4 xã: An Hòa, An Lão, An Vinh, An Toàn.
* Theo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, thống nhất thành lập tỉnh Gia Lai trực thuộc Trung ương trên cơ sơ nhập toàn bộ địa giới, đơn vị hành chính, dân số hai tỉnh Gia Lai và Bình Định hiện nay. Sau sắp xếp, tỉnh Gia Lai mới có diện tích 21.576,53 km2, dân số trên 3,58 triệu người.
Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Gia Lai mới đặt tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định hiện nay). Tỉnh Gia Lai mới có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 110 xã và 25 phường.
Hợp nhất các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND, các đơn vị sự nghiệp công lập… của 2 tỉnh.
Về phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sau khi sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, căn cứ quy định hiện hành của pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, thực hiện việc bố trí, sắp xếp CBCCVC của hai tỉnh sau khi sắp xếp như sau: Đối với CBCCVC lãnh đạo, quản lý: bố trí, sắp xếp theo thẩm quyền được phân cấp theo quy định và theo hướng dẫn của Trung ương.
Đối với CCVC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Điều động toàn bộ CCVC hiện có của hệ thống chính trị hai tỉnh về cơ quan, đơn vị mới tương ứng sau khi sắp xếp. Trước mắt giữ nguyên số lượng CBCCVC hiện có mặt của hai tỉnh. Sau đó, thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo đảm sau thời hạn theo yêu cầu của Trung ương (5 năm), số lượng CBCCVC hiện có thực hiện theo biên chế được giao theo quy định hiện hành.
Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh dự kiến bố trí tiếp tục công tác là 17.228 người. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh dự kiến thực hiện nghỉ chế độ, chính sách theo quy định là 1.276 người.
UBND tỉnh Gia Lai mới quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ CBCCVC, người lao động để ổn định điều kiện làm việc.
NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC - Nguồn Báo Bình Định