CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến quan trọng, xác đáng và chất lượng
Thứ sáu 24/03/2023 14:07

Qua 10 năm thực hiện, Luật Ðất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, không thể tiếp tục đáp ứng yêu cầu là công cụ pháp lý để điều chỉnh các quan hệ đất đai trong tình hình hiện tại. Chính vì vậy, hơn 2 tháng qua, cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tiếp cận, nghiên cứu, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng vào Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi).

Hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan

Yêu cầu này được đặt ra xuyên suốt trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hướng đến mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để tạo ra được sự hài hòa đúng mức, một số ý kiến cho rằng Điều 61 của Dự thảo (liên quan đến việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), nên bổ sung vai trò của cấp xã, để chính quyền cấp xã chủ động sắp xếp, bố trí, quy hoạch đất đai phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương.

Ông Nguyễn Hiến, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, bày tỏ quan điểm cần xác lập bảng giá đất hằng năm để đảm bảo mức giá tiệm cận nhất với giá thị trường. Ảnh: K.H

Khoản 6 Điều 71 chỉ mới đề cập đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần bổ sung “cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Ông Phan Trọng Hổ, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT, đề nghị bổ sung nội dung: Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được điều chỉnh phê duyệt, phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch đó đến người dân một lần nữa.

Một vấn đề khác nhận được nhiều sự quan tâm là nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 89), cụ thể: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đa số ý kiến cho rằng, đây là nội dung thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, nội dung này còn chung chung, chưa rõ ràng về “chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cùng các tiêu chí xác định, đánh giá... dẫn đến việc thực hiện khó khả thi, tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, chi tiết, phù hợp hơn.

Dự thảo bỏ quy định đối với “Đất khu kinh tế”. Theo đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, cần xem xét lại việc này hoặc có hướng dẫn cụ thể khi xây dựng nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai sau này. Mục đích là đảm bảo tính liên tục trong quản lý đất đai ở khu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến đầu tư, tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư được các ban quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp mời gọi; đồng thời tạo sự yên tâm cho các DN đã và đang đầu tư.

Soi chiếu nội dung Dự thảo vào lĩnh vực tư pháp, đại diện Viện KSND tỉnh nêu một thực tế là nhiều dự án thương mại trên địa bàn tỉnh do DN tư nhân đầu tư, xây dựng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi theo Điều 71, 72 của Dự thảo, tuy nhiên vẫn phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Một số cá nhân không thống nhất với mức bồi thường do DN đưa ra nên dự án không thực hiện được. Vậy nên, cần bổ sung quy định cho trường hợp này.  

Nhiều ý kiến của người dân các huyện đề nghị đưa điểm mới: “Dự án xây dựng để thực hiện nghiên cứu khoa học, trung tâm ứng dụng khoa học” vào chương V của Dự thảo (về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); vì đây là một trong những lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Xây dựng bảng giá đất hằng năm tiệm cận thị trường

Một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm trong Dự thảo là những quy định tại Điều 153 và Điều 154 liên quan đến việc xây dựng bảng giá đất. Từ thực tế công tác, ông Nguyễn Hiến, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, cho biết khung giá đất được quy định bởi Trung ương trước đây khống chế cả mức sàn và mức trần, dẫn đến các địa phương (cụ thể là HĐND và UBND các tỉnh) khi xác định giá đất bị hạn chế, thường phải đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường. Giá đất không sát được với giá của thị trường đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước, cũng là nguyên nhân chính của những vụ khiếu kiện khi người dân bị thu hồi đất.

Ông Hiến thống nhất với quan điểm trong Dự thảo, rằng xác lập bảng giá đất hằng năm; dù có một số ý kiến tỏ ra quan ngại, ông vẫn cho việc này là hoàn toàn khả thi. Về cách thức thực hiện, trên cơ sở bảng giá cũ của năm trước, nếu trong năm giá đất biến động thì điều chỉnh cho phù hợp.

“Tôi vẫn cho rằng, đã xác định mục đích xây dựng giá đất tiệm cận giá thị trường thì cứ mạnh dạn làm theo năm. Đặc biệt, khi áp dụng giá đất theo giá thị trường vào công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư sẽ rất hợp lý, thỏa mãn được người dân, tránh được khiếu kiện, giúp dự án nhanh hoàn thành”, ông Hiến nói.

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến nay đã có 279 hội nghị tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý trực tiếp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên, với hơn 11.160 lượt người tham dự; có trên 12.600 ý kiến tham gia góp ý trực tiếp và góp ý bằng văn bản. Với tinh thần trách nhiệm, nhiều đại biểu có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ về nội dung dự thảo, có nhiều ý kiến tham gia góp ý rất quan trọng, xác đáng và chất lượng.

KHÁNH HUÂN - KIỀU ANH - Nguồn Báo Bình Định