Sáng 5.1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định.
Dự hội thảo có các đồng chí: Hoàng Đạo Cương, Thứ trường Bộ VH-TT&DL; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các đơn vị của Bộ VH-TT&DL; học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Ủy ban thuộc UNESCO, các chuyên gia về di sản văn hóa trong nước và quốc tế; các đại võ sư, võ sư…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Đây là vùng đất kinh kỳ xưa; nơi phát tích chữ quốc ngữ, phong trào Tây Sơn gắn với tên tuổi người Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ; Đây còn là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của đất nước như: Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan. Bình Định còn là cái nôi của các loại nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Võ cổ truyền, tuồng, bài chòi, trong đó, nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Võ cổ truyền Bình Định có từ ngàn xưa, từ thời “cha ông đi mở cõi”; có mặt ở nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa của người Bình Định từ trong lịch sử đến tận hôm nay; đã trở thành văn hóa tinh thần, trở thành hoạt động thể thao để rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực; đã tạo nên bản sắc văn hóa của người Bình Định, trở thành linh hồn của người Bình Định và của đất Bình Định, chứa đựng trong đó nhiều đạo lý, triết lý sống.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ý thức được tầm quan trọng những giá trị văn hóa của Võ cổ truyền Bình Định… nên từ rất sớm chính quyền và Nhân dân Bình Định luôn nâng niu, bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa này. Tỉnh Bình Định đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định; theo đó, đã hỗ trợ kinh phí duy trì, trao truyền, phát triển các lò võ tiêu biểu, các câu lạc bộ võ thuật; tổ chức biên soạn và đưa võ cổ truyền vào truyền dạy trong trường học, tạo điều kiện để phát triển thể dục, thể thao phong trào; qua đó, tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ để kịp thời bồi dưỡng, rèn luyện, đưa vào các các đội tuyến của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở VH&TT phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công 88 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam. Kỳ liên hoan đầu tiên được tổ chức vào năm 2006, đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu về di sản văn hóa trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Với những nỗ lực, cố gắng của tỉnh và sự đồng thuận của Nhân dân; năm 2012, Võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội thảo là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững của võ cổ truyền Bình Định.
Đây còn là diễn đàn học thuật quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng làm rõ những vấn đề khoa học về võ cổ truyền và những vấn đề khoa học khác liên quan đến võ cổ truyền. Qua đó hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản võ cổ truyền nói chung và Bình Định nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng sự nỗ lực của Chính phủ và toàn xã hội, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Luật Di sản văn hóa mới được quốc hội thông qua vào ngày 23.11.2024 - ngày Di sản văn hóa Việt Nam, là công cụ pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ hơn cộng đồng chủ thể trong thực hành và bảo vệ di sản, đồng thời hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam tự hào có 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây không chỉ là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng tộc người ở Việt Nam mà còn là cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ di sản, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc.
Thứ trường Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội Thảo. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Võ cổ truyền Bình Định với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định. Việc xây dựng hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao, đồng thời đặt lên vai chúng ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững. Với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cộng đồng chủ thể và các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Hội thảo khoa học quốc tế bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, võ sư, chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền ở trong nước và quốc tế.
Hội thảo có 52 tham luận, tập hợp các ý kiến về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản võ cổ truyền Bình Định nói riêng, phục vụ cho việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các tham luận có ý nghĩa lý luận, thực tiễn trong việc bảo vệ, phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Võ cổ truyền Bình Định - bản sắc địa phương, biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh đương đại; Bài học từ các quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản võ; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Trên cơ sở Công văn số 7611/VPCP-KGVX ngày 20.10.2021 của Văn phòng Chính phủ về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO, UBND tỉnh đã ra quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 27.5.2022, phê duyệt đề cương kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ khoa học võ cổ truyền Bình Định để trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội thảo quốc tế và việc đệ trình UNESCO hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm góp phần quảng bá di sản võ cổ truyền của của người Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa các cộng đồng, những người thực hành võ thuật cổ truyền ở Việt Nam và trên thế giới; tìm ra định hướng bảo vệ và phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa và quảng bá sâu rộng di sản võ thuật truyền thống.
· PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam):
Võ cổ truyền Bình Định ra đời, phát triển trên vùng đất Bình Định và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những gia đình võ, dòng học võ, làng võ, môn phái võ, cùng với võ lý, võ học, võ thuật, võ y, võ nhạc… và sự tích hợp của võ vào thơ ca dân gian, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng lễ hội dân gian đã làm nên nét độc đáo, đặc sắc và phong cách riêng biệt của Võ cổ truyền Bình Định trong dòng chảy văn hóa võ của Việt Nam và thế giới. Năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản Võ cổ truyền Bình Định nói riêng, phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO… Hội thảo nhận 60 tham luận, sau khi cân nhắc kỹ ban tổ chức đã chọn 52 tham luận phù hợp với nội dung tập trung vào 4 nhóm nội dung: Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Võ cổ truyền Bình Định - bản sắc địa phương, biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản Võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh đương đại; Bài học từ các quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản võ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
· Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha: Võ cổ truyền Bình Định - đỉnh cao võ học thời Tây Sơn
Tỉnh Bình Định có hơn 100 năm miền biên viễn. Đầu thế kỷ XVII, Nguyễn Hoàng mở cõi vào phương Nam, đặt vùng đất này là phủ Quy Nhơn, chia làm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Sau khi phủ Quy Nhơn ổn định dân tình, các anh hùng hào kiệt, võ nhân chán ghét cảnh vua Lê - chúa Trịnh ở Thăng Long; cảnh Trương Phúc Loan lộng quyền chúa Nguyễn ở Phú Xuân, lần lượt vào Bình Định an cư, lập nghiệp, truyền dạy võ công cho nhiều thế hệ. Đến thời Tây Sơn, tiêu biểu là “Tây Sơn Tam Kiệt” đứng đầu là Nguyễn Huệ - Quang Trung và các danh thần, võ tướng, họ là những người ẩn cư nơi thôn dã, mặc áo vải, ăn cơm rau nhưng khi đất nước lâm nguy, thoắt một cái họ dựng cờ khởi nghĩa, quy tụ những anh hùng hào kiệt, lên yên cầm binh khí, giục ngựa ra trận cứu nước, hộ dân, thống nhất giang sơn Đại Việt…
Tây Sơn Tam Kiệt và các danh thần võ tướng, những anh hùng, hào kiệt trong dân gian đã tiếp thu tinh hoa võ học từ các bậc thầy của nhiều thế hệ đi trước, tiếp tục sáng tạo những di sản văn hóa võ, góp phần làm nên một thế hệ võ cổ truyền Bình Định, mà đỉnh cao là võ học thời Tây Sơn. Vua Quang Trung được nhân dân tôn vinh là ông tổ của Võ cổ truyền Bình Định…
Võ cổ truyền Bình Định được tiếp tục kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ đến nay.
· Ông Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO - Giảm thiểu các hệ quả không mong đợi của việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách của UNESO: Một số vấn đề đặt ra với cộng đồng, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý
Việc được ghi danh có thể củng cố nỗ lực bảo vệ di sản của chính cộng đồng và góp phần nâng cao tính khả thi của di sản văn hóa phi vật thể để các thế hệ sau có thể tiếp tục thưởng thức. Trong những trường hợp tốt nhất, cộng đồng, học giả và chính quyền có thể tận dụng việc ghi danh để huy động nguồn tài chính, tập trung sự chú ý của công chúng, khuyến khích người thực hành và củng cố quá trình truyền dạy. Hàng triệu người ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế có thể có thêm cơ hội tiếp cận di sản này, cho phép họ trải nghiệm những hoạt động văn hóa mà nếu không có sẽ không thể tiếp cận được. Việt Nam đạt được thành công đáng kể trong việc sử dụng quy trình ghi danh của UNESCO như một phương tiện để nâng cao nhận thức công chúng rộng rãi về di sản văn hóa phi vật thể và tại sao việc bảo vệ di sản này lại là ưu tiên của cả cộng đồng địa phương và quốc gia.
∙ ThS. Đinh Khắc Diện - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Bình Định: Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể
Võ cổ truyền Bình Định qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Từ năm 1054 - 1072 vua nhà Lý đã cử các tướng tài, binh sĩ giỏi tới dạy võ và chiến thuật cho các tướng sĩ của Champa tại kinh đô Đồ Bàn Vijaya (nay là vùng đất phường Nhơn Thành, TX An Nhơn). Rồi những năm 1306, 1471, 1558, 1635, 1657, các tướng lĩnh và binh sĩ tinh nhuệ có võ thuật cao cường đã được các triều đại cử đến trấn giữ các vùng biên ải từ Nghệ An trở vào. Sau khi trấn an đàng ngoài, năm 1657 nhà Nguyễn đã rút về Nam, mang nhiều cư dân cùng với cư dân bản địa khai hoang lập ấp lập nên các làng xóm, hương trang. Họ đã vận dụng và giúp nhau tập luyện các thế võ, các bài võ chống lại thú dữ, kết hợp với các thế võ của các vị tướng tài chống lại bọn “lục lâm thảo khấu”. Từ đó tạo nên những miếng võ bí truyền độc đáo để sẵn sàng tự bảo vệ dòng họ gia đình… Cũng từ đó dòng họ võ, làng võ ở Bình Định xuất hiện, như: Chùa Long Phước, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) lưu giữ sách Lục Tướng Tằng Vương Phổ Minh Binh Thư Chiêu pháp (Phổ Minh Binh Thư Yếu Lược); dòng họ Trương Đức di cư vào vùng Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) còn lưu giữ 14 bài võ đặc sắc của các tướng tài của dòng họ (dòng họ có nhiều tướng sĩ võ trong các triều đại nhà Nguyễn); dòng họ Trương Văn di cư vào Thắng Công, An Thái có nhiều bài võ truyền dạy cho các tướng tài vùng đất Tây Sơn tại địa danh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn); họ Bùi, ở làng Phú Lạc (huyện Tây Sơn) nay lưu giữ các bài võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân; dòng họ Hồ ở Bình Thuận - Tây Sơn nổi tiếng “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”; dòng họ Đinh ở An Thái - An Nhơn huấn luyện đào tạo cho anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ; dòng họ Lý ở Đập Đá (TX An Nhơn) nổi danh với bài Miêu tẩy diện; dòng họ Phan ở Bình Nghi (Tây Sơn) có Tây Sơn bí kíp... Hàng trăm dòng họ khác trên đất Bình Định giữ gìn và tập luyện những bài võ cổ truyền được nhiều nhà nghiên cứu như: Lê Thì, Mai Văn Muôn, Phạm Đình Phong… sưu tầm.
∙ TS Dương Bích Hạnh (Văn phòng UNESCO vùng Đông Á): Bảo vệ di sản võ - Kinh nghiệm từ các di sản được ghi danh trong danh sách đại diện của Công ước 2003 của UNESCO
Công ước 2003 gồm 183 quốc gia thành viên, 667 di sản trong Danh sách đại diện; 40 dự án được thực hành tốt; 788 di sản được ghi danh của 150 quốc gia; 81 di sản cần được bảo vệ khẩn cấp; 97 di sản đa quốc gia từ 112 quốc gia.
Việt Nam trong tương lai cần cân nhắc nhiều hơn để thực hành tốt thông qua những biện pháp bảo vệ toàn diện sau:
Thứ nhất, về quy chế bảo vệ cơ sở hạ tầng, có thể tham khảo những tổ chức trong và ngoài nhà nước có đưa ra chương trình riêng để bảo vệ, truyền dạy và thực hành văn hóa sống động, phối hợp liên ngành đã làm tốt như: Nhóm làm việc Pró Capoeira Brazil; Liên đoàn Kun Bokator Campuchia; Hiệp hội Taekkyoen Hàn Quốc; Học viện quốc gia âm nhạc vũ đạo và sân khấu; Paseduluran Angkringan Silat Indonesia…
Thứ hai, sự tham gia của cộng động, nỗ lực của tập thể, chẳng hạn như cách tạo nên mạng lưới liên tỉnh; tổ chức giải đấu thường niên; lễ hội cấp vùng, quốc gia và quốc tế…
Thứ ba, truyền dạy thông qua giáo dục. Không chỉ trong các trường chính quy, trường đại học, chuyên ngành mà còn ở các hệ thống giáo dục phi chính thức, di sản thường được truyền dạy trong gia đình, cộng đồng. Một số nước kết hợp trong chương trình truyền hình để người dân tiếp cận; một số nước thành lập cơ sở văn hóa, trường chuyên biệt biểu diễn tạo điều kiện cho truyền dạy một cách chính thống…
Thứ tư, nghiên cứu tư liệu hóa, lập bản đồ toàn diện cho các võ sư, các cơ sở liên quan, qua kỹ thuật số để mọi người tiếp cận được.
Thứ năm, sử dụng chương trình truyền hình quảng bá như cách một số môn võ khác đã thực hiện, có chương trình chủ yếu tập trung cho võ sư nữ để khuyến khích sự tham gia (vì hầu hết các môn đa số nam giới tham gia) vào thực tập.
Ngoài ra, quan hệ và trao đổi quốc tế cũng là một vấn đề được lưu tâm. Việc di sản được UNESCO ghi danh là một cách, nhưng chúng ta cần nhận thêm sự hỗ trợ của chính phủ để đưa di sản ra nước ngoài, giao lưu với các tổ chức, các nước trên thế giới; quảng bá thông qua chương trình trình diễn, lễ hội, cuộc thi đấu… nhằm gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp về mục tiêu sức khỏe, giáo dục; nâng tầm ý nghĩa triết lý của võ thuật và trao đổi văn hóa.
Khung thể chế và hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ võ thuật truyền thống không chỉ là bài tập thể chất, đây là biểu tượng sống của bản sắc văn hóa mà Hàn Quốc đã làm mọi cách để giữ gìn và bảo vệ. Đây là một minh chứng cho bảo vệ văn hóa. Bằng những phương thức mà Hàn Quốc đã làm, chúng ta có thể học hỏi, tạo ra cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Taekkyeon, Sirum, Hwalssogi là những môn thể thao mang đậm tính văn hóa nghệ thuật truyền thống lâu đời của Hàn Quốc, đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực làm dịu các mối quan hệ xung quanh để giảm những căng thẳng chính trị làm ảnh hưởng đến những nỗ lực trong hợp tác. Đối thoại và đổi mới là chìa khóa để vượt qua những chia rẽ và là cơ hội để hợp tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Nhìn chung, chúng ta cần tăng cường sự tham gia của công chúng để cùng nhau tham gia vào công tác bảo vệ, đảm bảo tính cộng động trong di sản văn hóa; tăng cường sự hợp tác quốc tế để bảo vệ văn hóa truyền thống nhằm thu hẹp khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, thúc đẩy sự trân trọng văn hóa nhiều hơn trong từng cá nhân.
Nguồn Báo Bình Định