CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy
PHÙ CÁT: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG
Thứ bảy 05/06/2021 09:56
Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, có nguy cơ cháy rừng rất cao, ở mức nguy hiểm, nhất là ở các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng trồng. Huyện Phù Cát có 23.200 ha rừng, gồm 16.000 ha là rừng tự nhiên và 7.200 ha rừng trồng. Trong tổng diện tích rừng có trên 9.500 ha là rừng phòng hộ, gần 14.000 ha là rừng sản xuất. Trước tình hình đó, huyện tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng chống cháy rừng, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian cao điểm nắng nóng hiện nay.

Với phương châm "Phòng cháy hơn chữa cháy", ngay từ đầu mùa nắng, Ủy ban nhân dân huyện đã có kế hoạch chỉ đạo các  ngành chức năng và các xã có rừng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân quan tâm hơn đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng đã phối hợp với những chủ rừng tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm dễ cháy rừng để chủ động triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, các chủ rừng thường xuyên kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, phát hiện sớm các điểm cháy rừng để huy động lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng cũng đã thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đối với những khu rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành rà soát, khoanh vẽ các vùng trọng điểm dễ cháy rừng trên bản đồ phòng cháy chữa cháy rừng như: rừng phòng hộ đầu nguồn Cát Sơn, rừng phòng hộ ven biển ở các xã Cát Chánh, Cát Hải, Cát Thành…

Có thể nói trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được các địa phương có rừng chú trọng, lấy phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời, các địa phương đã tập trung tuyên truyền cho mọi người dân, và chủ có rừng nâng cao ý thức tự bảo vệ rừng. Tại xã Cát Lâm, một địa phương có trên 3.000 ha rừng; trong đó, có hơn 1.900 ha rừng phòng hộ và 1.100 ha rừng trồng sản xuất, phần lớn diện tích rừng gần nhà dân; hàng ngày người ra vào thường xuyên, nguy có cháy rừng rất cao. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, ông Võ Văn Tiếng - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm cho biết: "Địa phương thành lập mỗi thôn một đội thanh niên xung kích, được tập huấn và trang bị đầy đủ dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng; sẵn sàng có mặt kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra và thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ".

Bên cạnh đó, hàng tuần cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, những năm gần đây, xã Cát Lâm không có điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên diện rộng. Ông Phan Thanh Long -  một người dân ở thôn An Điềm, xã Cát Lâm đang làm chủ hơn 10 ha rừng keo nói về kinh nghiệm bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng: "Gia đình tôi có trên 10 ha rừng, sau khi được tập huấn về các biện pháp phòng chống cháy rừng, tôi cùng gia đình đã chủ động phát băng cản lửa, thu dọn thực bì, đào hố chôn sâu lá khô dưới đất, làm sạch bề mặt rừng trước mùa nắng và thường xuyên kiểm tra rừng để có biện pháp xử lý kịp thời."

Hạt kiểm lâm huyện Phù Cát phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn phối hợp với địa phương và ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền các biện pháp quản lý bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Phối hợp với ban quản lý rừng phòng hộ và các hộ trồng rừng, hộ nhận quản lý bảo vệ rừng, tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp gây nguy hại đến rừng. Huyện đã xây dựng được 8,8 km đường băng cản lửa, 7 chòi canh lửa, 335 biển báo cấm lửa và trang bị gần 900 dụng cụ, phương tiện cần thiết cho việc phòng cháy chữa cháy rừng.

Hạt kiểm lâm Huyện phối hợp với các địa phương có rừng, tổ chức 16 tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng, mỗi tổ, đội có từ 15 đến 20 người, được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc chữa cháy rừng; bao gồm 08 máy thổi gió, 3 bình phun hơi nước, 1 máy cắt thực bì, 2 bồn đựng nước và 40 vỉ dập lửa. Trước mắt, các ngành chức năng và địa phương phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân, hiểu rõ tác hại của việc cháy rừng và vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng đến từng thôn xóm.

Về vấn đề này, ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phù Cát cho biết: "Hạt kiểm lâm đã phân công lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng như văn phòng hạt bố trí trực 24/24 tại cửa rừng. Huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, để kịp thời chữa cháy khi có xảy ra cháy rừng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân đốt, xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng để nâng cao trách nhiệm của người dân và các chủ rừng. Trong đó, biện pháp quan trọng phòng cháy là chính".

Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và hạn chế nguy cơ gây cháy rừng cũng như những thiệt hại do cháy rừng gây ra, huyện Phù Cát đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm, các ban, ngành và các xã chủ động thống nhất phương án, giải pháp chủ yếu; trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh rừng, xử lý thực bì. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng sẵn sàng tham gia khi có cháy rừng xảy ra./.

THẾ HÀ