CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh
UBND tỉnh đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025
Thứ năm 03/04/2025 08:17

Sáng 2/4, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại trụ sở UBND tỉnh

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 duy trì được sự ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quý I ước tăng 7,51% so với cùng kỳ, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,96% (trong đó công nghiệp tăng 10,70%; xây dựng tăng 11,75%); dịch vụ tăng 7,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,93%. Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; việc chăm lo các gia đình chính sách và người nghèo được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư vào tỉnh có sự tăng trưởng đột biến. Toàn tỉnh đã thu hút 31 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI. So với cùng kỳ, số dự án tăng hơn 138%; tổng vốn đăng ký tăng gấp 5 lần. Hoạt động thương mại dịch vụ khá nhộn nhịp nhờ các hoạt động lễ tết, sự kiện văn hoá thể thao được tổ chức trong 3 tháng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I, đạt trên 29.600 tỷ đồng, đạt 23,4% so với kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ.  

Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện quý I năm 2025 là 4.274,4 tỷ đồng, đạt 24,5% dự toán năm, tăng 48,4% so với cùng kỳ.

Trong quý I, Bình Định đã tập trung triển khai quyết liệt chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến ngày 23/3/2025, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa được 4.131 nhà (bao gồm: xây mới: 2.335 nhà; sửa chữa: 1.796 nhà), đạt 95% kế hoạch. Đặc biệt, toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1.679 nhà (bao gồm: xây mới: 465 nhà; sửa chữa: 1.214 nhà).

Trong quý 2/2025, UBND tỉnh đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH và đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh theo dõi sát tình hình thực tế, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; đổi mới phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong từng tháng, ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ quý II và cả năm theo kế hoạch tỉnh đã đề ra. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là tập trung chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị theo bộ máy mới, đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, quý I, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khá với 3,43% nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, giá sản phẩm chăn nuôi tăng cao so với cùng kỳ. Trong Quý II, Sở NN&MT phối hợp với các địa phương thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân, đảm bảo thắng lợi; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các loại cây trồng có thế mạnh, thị trường tiêu thụ ổn định; tiếp tục tập trung phát triển đàn vật nuôi đi kèm với các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phối hợp với địa phương, nhà đầu tư triển khai 2 dự án nhà máy chế biến nông súc sản. Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với các huyện, các HTX tổ chức đầu mối để tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh. Các địa phương tăng cường thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, và sớm xây dựng, hoàn thiện đơn giá thu gom. Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tính toán đảm bảo đơn giá, khối lượng, phạm vi khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn và trách nhiệm tài chính với nhà nước của các chủ mỏ; tập trung hoàn thành dữ liệu đất đai.  

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý Sở Tài chính, các sở ngành liên quan và các địa phương rà soát lại các dự án cấp huyện, cấp xã sử dụng vốn đầu tư công đang triển khai, đôn đốc triển khai, phấn đấu hoàn thành trước 30/6, công trình dự án không đảm bảo hoàn thành mốc thời gian này thì chuyển giao về các Ban quản lý dự án của tỉnh để tiếp tục triển khai. Đồng thời rà soát, tính toán khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản (khối lượng nợ đọng xây dựng cấp tỉnh 155 tỷ, cấp huyện 419 tỷ, xã 1.372 tỷ), phải rà soát từng công trình, dự án, có kế hoạch, phương án giải quyết cụ thể hoặc kiến nghị, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, hướng dẫn giải quyết, mục tiêu phải hoàn thành trước 30/6. Bên cạnh đó, cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là các công trình, cơ sở, thiết chế văn hoá tại các địa phương để thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, kết quả phát triển KT-XH quý I có nhiều điểm sáng, với GRDP tăng 7,51%, đây thành quả nhiều năm cố gắng. Quan trọng hơn hết là cả hệ thống chính trị đồng lòng, quyết tâm vì công việc chung, vì quê hương Bình Định, dù chịu không ít ảnh hưởng bởi nhiệm vụ chính trị sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp tới đây là sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số xã. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại tỉnh được thực hiện rất nhanh và bộ máy vận hành trơn tru, đoàn kết, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc. Điểm sáng tích cực nữa là hoạt động xúc tiến đầu tư có những chuyển biến tích cực, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến Bình Định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, “vốn liếng” các nhà đầu tư mới đăng ký vào tỉnh cộng với các dự án năng lượng có khả năng triển khai, với tổng số tiền khoảng 300.000 tỷ đồng. Điều này cũng thể hiện rõ “điểm rơi” và “điểm chín” của tỉnh Bình Định trong thu hút đầu tư. Chỉ cần tỉnh chăm sóc, hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai các dự án này cho đến năm 2030-2035, quy mô kinh tế Bình Định sẽ khác hẳn. Bình Định phải cố gắng chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất, giữ chân các nhà đầu tư để triển khai dự án và lan toả, thu hút thêm các nhà đầu tư mới, dự án mới.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH Quý I. Đáng lo là một số địa phương chưa thể hiện rõ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Công tác phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn “vấn đề”, tiến độ còn chậm.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh đây là thời điểm mang tính bước ngoặc của tỉnh. Hệ thống chính trị vẫn phải ý thức, quyết tâm cao nhất thực hiện các nhiệm vụ được phân, giao. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là các sở, ngành, địa phương phải tập trung công tác sắp xếp tỉnh, xã và triển khai bộ máy mới từ ngày 1/7. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, ai sắp xếp thì sắp xếp, còn ai làm việc cứ phải làm việc, không gián đoạn công việc.

Theo đó, sở, ngành, địa phương tập trung điều hành KT-XH để đảm bảo tăng trưởng trên 8,5%. Quý I đã đạt được 7,51% rồi thì quý II tới đây nếu quyết tâm có thể đạt 9%. Tập trung triển khai các dự án lớn đã ký kết nhất là các dự án mang tính dẫn dắt và phải cố gắng giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án này trong tháng 4. Quan trọng hơn các công việc lớn của tỉnh phải giải quyết trước ngày 1/7 để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu của Chính phủ. Rà soát các việc tồn đọng, các dự án tồn đọng, nợ đọng xây dựng cơ bản để có hướng giải quyết trong 3 tháng tới. Phải cương quyết thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, nhất là phải hoàn thành chương trình xoá nhà tạm dột nát trong tháng 5. Tiếp tục điều hành phát triển KT-XH theo tinh thần “6 rõ”, tập trung cải cách hành chính, trong đó mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính và thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Hội nghị trực tuyến tới các điểm cầu sở, ngành, địa phương

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính bám sát các chỉ tiêu điều hành phát triển KT-XH, Sở Tài chính rất lưu ý công tác điều hành KT-XH. Tập trung triển khai các dự án lớn, đôn đốc các bản ghi nhớ thu hút đầu tư đã ký kết để triển khai dự án. Đồng thời rà soát các việc tồn đọng, dự án tồn đọng, nhất là nợ đọng xây dựng cơ bản để có phương án giải quyết. Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung triển khai nhanh các dự án lớn, tập trung triển khai hoàn thiện dữ liệu về đất đai, tăng cường công tác chống khai thác  IUU.

Sở Công Thương triển khai nhanh các dự án cụm công nghiệp để tập trung kêu gọi nhà đầu tư vào đây; tập trung chuẩn bị triển khai các dự án năng lượng tái tạo đồng thời triển khai nhanh đề án di dời 3 cụm công nghiệp. Bên cạnh đó thường xuyên nắm bắt, bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Sở Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó chú trọng 3 mảng lớn: KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh; chủ động phối hợp hỗ trợ xây dựng các nền tảng ứng dụng AI phục vụ hoạt động chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; triển khai các đề án lớn về đầu tư phát triển KH&CN; đảm bảo chi 3% cho KH&CN….

Đối với UBND cấp huyện và xã, người đứng đầu chính quyền tỉnh nhấn mạnh: Phải xác định công việc không thay đổi, phải tập trung triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH đã giao; tiếp tục tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án, mục tiêu trong tháng 4 này phải hoàn thành. Trong tháng 5 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Đặc biệt, địa phương phải tập trung rà soát, giải quyết các tồn đọng ở cấp huyện và xã, nhất là nợ đọng xây dựng cơ bản…/.

Thùy Trang - Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh