CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy
Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở An Lão
Thứ tư 07/10/2020 07:52
Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể huyện An Lão quan tâm triển khai rộng khắp. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” lan tỏa sâu, rộng trong cộng đồng dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện An Lão thăm hỏi  người dân xã An Dũng

Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện sâu rộng, thiết thực, hiệu quả; phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, đơn vị. Nhiều nơi đã có những việc làm cụ thể, xây dựng chương trình kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm và hướng mạnh về cơ sở; xây dựng mô hình thí điểm; nhiều cách làm hay, hiệu quả được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng và nhân rộng. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Nhiều mô hình hay, hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực

Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" với hình thức đa dạng, phong phú. Đến nay, toàn huyện có 119 mô hình "Dân vận khéo", trong đó có 35 mô hình trên lĩnh vực kinh tế; 34 mô hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; 19 mô hình trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới; 23 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và 8 mô hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.  

Trên lĩnh vực kinh tế, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, giúp nhiều hội viên, đoàn viên trở thành chủ trang trại, gương sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Tiêu biểu như mô hình "Góp vốn xoay vòng, hỗ trợ hội viên xóa đói giảm nghèo", "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm", "Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo", "May gia công", "Trang trại gia đình",…  

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình "Dân vận khéo" tập trung vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện hương ước, quy ước; xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát huy tinh thần tương thân tương ái, từ thiện, nhân đạo vì cuộc sống cộng đồng. Nhiều mô hình có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng như mô hình "Dạy tốt, học tốt", "Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số", "Làng An toàn cho trẻ", "Giữ gìn bản sắc văn hóa của người Bana", "Giọt máu hồng",…

Trong xây dựng nông thôn mới, là địa bàn miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn nhiều khó khăn, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã góp phần tích cực vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, đóng góp vật chất, hiến đất, góp công, kinh phí để từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là những tiêu chí khó, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân. Từ thực tiễn xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu như: "Vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới", "Thắp sáng đường quê", "Xây dựng tuyến đường hoa nông dân kiểu mẫu",...

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua "Dân vận khéo" được tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách thủ tục hành chính; đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và giải quyết các vấn đề tồn đọng bức xúc, những khó khăn, vướng mắc của nhân dân ngay từ cơ sở; trên 90% số vụ, việc được giải quyết kịp thời và không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp; năm 2019, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của An Lão đứng thứ 3/11 huyện, thị xã, thành phố.

Mô hình "Dời làng xây đập"

 Nổi bật nhất có thể kể đến là mô hình "Dời làng xây đập" tại xã An Dũng. Để thực hiện công trình xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít, đòi hỏi phải di dời cả xã An Dũng với gần 500 hộ, hơn 1.700 nhân khẩu là một việc chưa từng có ở địa bàn miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số H'rê sinh sống, gắn bó bao đời luôn là điều không dễ. Nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị của huyện và xã; nhờ cách làm công khai, minh bạch, thường xuyên tuyên truyền, vận động, đối thoại; gặp gỡ với phương châm "mưa dầm thấm lâu". Vì vậy bà con đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án, đồng thuận với phương án di dời đến nơi ở mới. Đến nay, có 445/477 hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố tại khu tái định cư; cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang; trung tâm hành chính; trường học, trạm y tế và các công trình thiết yếu đã đi vào hoạt động; đời sống bà con có nhiều đổi thay tích cực.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã góp phần gắn kết, thúc đẩy và tăng hiệu quả phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Qua đó, đã tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện An Lão tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đoàn kết toàn dân.

Minh Lực