Ngày 10/5/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 568/QĐ-TTg công nhận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Có thể nói, một trong những yếu tố tạo nên thành công này là huyện Phù Cát đã thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Năm 2011, huyện Phù Cát bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 16/16 xã. Tại thời điểm đó, toàn huyện chỉ có 4 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, 9 xã đạt từ 6 - 7 tiêu chí và 3 xã đạt 5 tiêu chí.
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của nhân dân.
Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã được thành lập; công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội - đoàn viên và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.
Huyện cũng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, coi trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu, nhãn mác hàng hóa... Thu hút và triển khai các dự án đầu tư lớn để chuyển dịch lao động nông thôn, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho khu vực nông thôn phát triển. Đồng thời, xác định xây dựng nông thôn phải dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng, xã, phát huy tối đa vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới của người dân. Đây được coi là giải pháp đột phá trong xây dựng nông thôn mới.
Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” do Ban Chỉ đạo huyện phát động đã được cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thôn và người dân tích cực hưởng ứng; phát huy được trí tuệ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.
Qua 10 năm triển khai, huyện đã huy động được 144.850 triệu đồng đóng góp từ cộng đồng dân cư, chiếm 4,86% tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 - 2021 trên địa bàn huyện. Trong đó, đóng góp bằng tiền là 64.910 triệu đồng và đóng góp bằng hiện vật (đất, ngày công, cây cối...) trị giá 79.940 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vốn, công nghệ sản xuất, xây dựng cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tiêu biểu như: Công ty TNHH Giống Gia cầm Cao Khanh đầu tư công nghệ ấp nở và chăn nuôi gà hiện đại, mỗi năm xuất bán hơn 30 triệu con gà giống, tạo việc làm cho hơn 300 lao động và hiện nay đã được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Đan Bình Định (thuộc Tập đoàn Trường Hải) đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng Trại chăn nuôi lợn giống ứng dụng công nghệ cao, quy mô quốc gia, với hơn 16.000 con lợn nái sinh sản, hằng năm cung cấp hơn 300.000 con lợn giống thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Công ty TNHH Thành Ly đầu tư xây dựng 25 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở xã Cát Thành, Cát Hải, sản lượng hằng năm thu được hơn 250 tấn, doanh thu hơn 25 tỷ đồng.
Bộ mặt nông thôn cũng có nhiều khởi sắc với sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, cơ bản đều đạt chuẩn với mức độ cao hơn tối thiểu quy định, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn.
Về Phù Cát hôm nay, ta dễ dàng nhận thấy những con đường đất trước đây đã được thay bằng hệ thống đường bê tông thẳng tắp. Theo thống kê của huyện, hiện 100% đường trục xã, liên xã trên địa bàn huyện đều đã đạt chuẩn. Bên cạnh đó, kể từ khi huyện bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã tích cực vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, xây dựng mới, sửa chữa nhà ở xuống cấp. Hiện tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng là 98,4%, tăng 21,7% so với năm 2011. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn 16 xã đạt 100%.
Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được hoàn thiện
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được người dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp lớn vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nhiều mô hình như “Gia đình văn hóa điểm”, “Không sinh con thứ ba trở lên”, “Xã không có tội phạm và tệ nạn xã hội” được triển khai thực hiện đạt kết quả tại các cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” cũng phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện đã có 65 câu lạc bộ thể thao đang hoạt động hiệu quả, góp phần nâng số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 36% dân số của huyện; gia đình tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 32%. Hàng năm, ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước, huyện đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao cũng như tổ chức các hoạt động thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe của các tầng lớp nhân dân.
Có thể nói, công tác xã hội hóa các nguồn lực đóng góp có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phù Cát trong thời gian qua. Điều đó thể hiện sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời góp phần khơi dậy nguồn lực và sự chủ động tham gia của người dân vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương.
Ngọc Hà