Để tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tháng 11/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Đến năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện Cuộc vận động trong giai đoạn mới đạt hiệu quả tích cực nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững
Trong gần 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã vận động Nhân dân hiến 1.050.000 m2 đất, hàng chục nghìn mét tường rào, 250.000 ngày công lao động và trên 220 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ xây dựng nông thôn mới... Nhiều mô hình mới, cách làm hay của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên được duy trì và nhân rộng như: “Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, “Cùng chia sẻ - Trao yêu thương”, “Chung tay vì người nghèo”, “Năm giúp một”, “Chắp cánh ước mơ”, “Đồng hành cùng trẻ em đến trường”,“Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất”, “Quỹ quay vòng vốn”; “Mái ấm công đoàn”, “Nông dân thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở nhiều địa phương không chỉ được giữ vững mà còn được nâng lên; giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững; qua đó, đã tạo niềm tin của Nhân dân đối với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 94/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 83,1%), có 35/94 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 37,2%), có 04/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 07/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chỉnh phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 63,63%).
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025
Bên cạnh đó, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên trong tỉnh đã huy động nguồn lực hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn xây mới, sữa chữa 4.500 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ khám chữa bệnh; giúp các cháu học sinh khó khăn trong học tập; tổ chức Chương trình Tết Nghĩa tình; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; vận động tiền, hiện vật quy ra tiền trên 104 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay đã vận động số tiền hơn 40 tỷ đồng, 22.628 ngày công, hàng chục tấn xi măng, đất, cát, gạch, ngói... để hỗ trợ thêm ngoài ngân sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà cho gia đình chính sách, góp phần cùng tỉnh xóa xong nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đồng thời, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình “Tết nghĩa tình”, qua đó đã thăm, tặng hàng trăm nghìn suất quà, trị giá hàng trăm tỷ đồng cho gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vui xuân, đón tết cổ truyền của dân tộc vui vẻ, đầm ấm. Ngoài ra, trong các đợt thiên tai, bão, lũ với tinh thần “Tương thân tương ái”, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã vận động hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ trợ nhân dân trong và ngoài tỉnh khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Từ các hoạt động trên, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2024 xuống còn 1,01%, giảm 5,24% so với năm 2015.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, chăm lo sự nghiệp giáo dục, sức khoẻ Nhân dân, phát huy truyền thống, tương thân, tương ái
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hướng dẫn các địa phương tích cực triển khai thực hiện các nội dung đô thị văn minh; mở các chuyên trang, chuyên mục về “Xây dựng đô thị văn minh” đăng, tuyên truyền trên báo, đài, trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên và các ngành liên quan. Mặt trận các địa phương đã vận động các hộ gia đình xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa lành mạnh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng, nhân rộng các mô hình mới, tiêu biểu về đô thị văn minh; các ngành, các cấp đã hướng dẫn các phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn đô thị văn minh; tăng cường chỉnh trang đô thị, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng thay đổi; đáp ứng quá trình đô thi hóa trong giai đoạn hiện nay. Toàn tỉnh có 31/40 phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn đô thị văn minh; đến nay có 8 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Bình Thanh thăm, tặng quà cho cán bộ Bình Định tập kết ra Bắc sinh sống tại thị xã Hoài Nhơn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, chăm lo cho các gia đình chính sách, những người có công với nước, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh quan tâm. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp cùng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hàng chục tỷ đồng; qua đó, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tri ân các gia đình liệt sĩ, thương binh, Cựu Chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong, các chiến sĩ Điện Biên, với kinh phí hàng tỷ đồng.
Phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục ngày càng mở rộng và phát triển. Nhân dân ở cộng đồng dân cư đã tự giác tham gia đóng góp công sức, tiền của cùng với Nhà nước chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà trẻ, trường học, thực hiện xã hội hoá giáo dục, tạo môi trường giáo dục toàn diện gắn bó giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Phong trào vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ngày càng được các trường học, cơ quan, đơn vị, địa phương, họ tộc… quan tâm xây dựng để khuyến khích, động viên những học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa… trở thành nguồn động viên cho thầy, cô giáo thi đua dạy tốt, học sinh thi đua học tốt.
Các chương trình quốc gia về dân số - kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân, bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em… được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn tỉnh, được Nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện đạt kết quả khá tốt, góp phần giảm tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh, có hàng trăm khu dân cư nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3, hàng ngàn cặp vợ chồng chỉ sinh đến 2 con để nuôi dạy tốt, hầu hết khu dân cư không có trẻ em bỏ học.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường
Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được MTTQ các cấp tích cực vận động nhân dân tham gia và đạt kết quả tích cực, nhiều chương trình đã được xã hội hóa, huy động công sức từ cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Nhận thức về bảo vệ môi trường từ mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng được nâng lên. Các hoạt động phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống, môi trường lao động, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên như: thu gom rác thải, nước thải, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ăn ở hợp vệ sinh, di dời chuồng trại, nhà vệ sinh ra xa nhà ở, tiết kiệm điện, nước... được nhân dân tham gia tích cực với nhiều điểm sáng mới, mô hình hay, hiệu quả; ra mắt hàng chục mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều khu dân cư xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” như mô hình “Tuyến đường không rác thải”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nói không với túi nilon”, “Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường”, “Phân loại rác thải tại nhà”, “Thanh niên giữ gìn đường phố xanh-sạch- đẹp” (TP Quy Nhơn); mô hình “KDC chăn nuôi không ô nhiễm môi trường”, “Vận động hộ dân thu gom rác thải”, “Thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”, “Tiếng kẻng môi trường” (Thị xã Hoài Nhơn)... Cùng với Phong trào “Toàn dân đoàn kết bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp” do MTTQ tỉnh phát động, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình về công tác bảo vệ môi trường như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,“Phụ nữ nói không với túi ni lông, đi chợ có giỏ xách tay, mỗi nhà có một hố rác, phân loại rác ngay từ ban đầu” của Hội Phụ nữ; “Ngày thứ 7 tình nguyện và chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Hố rác nông thôn” của Hội Nông dân…
Đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chứng kiến ký kết mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường tại xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội nghị ký kết và triển khai Chương trình phối hợp về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2023 - 2026 với các tổ chức Tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia ký kết; Phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng tôn giáo và dân cư kỹ năng tự ứng cứu và xử lý tại chỗ những rủi ro bất thường do bão, lụt, lũ quét, hạn hán... xảy ra; đồng thời đã nhân rộng các mô hình điểm “Cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, đến nay đã nhân rộng được 25 mô hình trong cộng đồng các tôn giáo.
Phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động giám sát tập trung vào những vấn đề thiết thực, liên quan đời sống, việc làm của người dân như: thực hiện chính sách, chế độ, giải phóng, mặt bằng, việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo…Trong gần 10 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn 1.200 đợt giám sát; 420 hội nghị phản biện, tham gia góp ý và tổ chức lấy ý kiến xây dựng hơn 1.800 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hạn chế thiếu sót trong thực hiện chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện chính sách đúng, phù hợp thực tiễn. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân; kịp thời tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hộ trợ nhà ở cho hộ có công cách mạng tại xã Nhơn Lý.
Kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Thời gian đến, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tỉnh sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực cùng Nhà nước tiếp tục chăm lo đời sống của Nhân dân nhất là những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu sống sinh sống còn gặp nhiều khó khăn.
Anh Phương