CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mặt trận và các hội, đoàn thể tỉnh
KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LHPN VIỆT NAM (20.10.1930 - 20.10.2022) Tự tin, bản lĩnh, vì cộng đồng
Thứ năm 20/10/2022 10:15

Ngày càng có nhiều hơn những phụ nữ mạnh mẽ, theo đuổi đam mê và gặt hái thành công trong cuộc sống. Báo Bình Định giới thiệu 3 gương mặt phụ nữ trẻ năng động, truyền cảm hứng cho lối sống tích cực, có ích cho xã hội.

Quyết tâm theo đuổi đam mê

Phan Kim Nhật Quỳnh (SN 1988) là gương mặt quen thuộc với những ai quan tâm đến lĩnh vực khởi nghiệp từ nông sản địa phương. Hiện chị là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nấm Anvies (phường Bình Định, TX An Nhơn).

Chị Quỳnh cùng sản phẩm nấm sạch hữu cơ. Ảnh: NVCC

Khởi nghiệp vốn dĩ không dễ dàng, với phái nữ càng nhiều khó khăn hơn. Để gầy dựng nên thương hiệu “Quỳnh nấm”, giai đoạn khởi sự DN, mọi công đoạn sản xuất nấm, từ chở hàng, ngâm, ủ từng cuộn rơm đến tìm ra công thức chuẩn, chị đều tự tay làm. Có lần, một mình đến Đồng Tháp để tìm xưởng gia công, chị Quỳnh bị sốt xuất huyết cả 10 ngày, sụt 8 kg. Thế nhưng, chưa khi nào chị ngừng theo đuổi đam mê.

Chị còn thường xuyên di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Định để học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết như bán hàng, chăm sóc khách hàng, tìm cách mở rộng thị trường. Nhờ đó, sau 3 năm, HTX của chị đạt được doanh thu từ 300 - 400 triệu đồng/ tháng; sản phẩm nấm sạch hữu cơ của HTX nấm Anvies đã có mặt ở các thị trường lớn như Mỹ, Úc, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

“Thể trạng của phái yếu khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong các khâu vận chuyển. Bù lại, tôi làm tỉ mỉ, chu đáo hơn. Cứ khi nào mệt mỏi, tôi lại nghĩ đến việc tận dụng những ổ rơm tưởng chừng bỏ đi để làm ra sản phẩm tốt cho sức khỏe; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân ở quê, tôi lại thêm mạnh mẽ. Khát khao đưa sản phẩm sạch của địa phương ra nước ngoài cứ thế lớn dần trong tôi”, chị Quỳnh tâm sự.

Theo chị Quỳnh, dù trong kinh doanh hay cuộc sống, thái độ tích cực, quyết tâm theo đuổi đam mê sẽ là những yếu tố giúp người phụ nữ đạt được thành công, khẳng định giá trị bản thân.

Cần mẫn, góp sức cho cộng đồng

Là Trưởng Phòng Dược lý - Vi sinh (Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, thuộc Sở Y tế), chị Huỳnh Thị Bé Cơ (SN 1986) có nhiệm vụ chính là kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm.

Đặc thù công việc của chị là thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, có khi là vi sinh vật gây hại khiến nhiều người e ngại, nhất là các chị em bởi nỗi lo bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là việc sinh con.

Chị Cơ kiểm tra độ vô trùng của mẫu thuốc. Ảnh: DƯƠNG LINH

Thế nhưng, với lý do “công việc này giúp kịp thời phát hiện, thu hồi những mẫu thuốc không đạt chất lượng; để thuốc giả, thuốc kém chất lượng không đến tay người dân”, chị Cơ vẫn cần mẫn với những ống nghiệm, lồng nuôi cấy.

Không những vậy, nhận thấy điều kiện của Trung tâm còn hạn chế, thiết bị chưa thật đầy đủ, chị cùng các đồng nghiệp luôn cố gắng nghiên cứu, đưa ra sáng kiến phục vụ cho công tác chuyên môn. Nhờ đó, chị đã cho ra đời 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật: “Nuôi cấy vi khuẩn Lacto acidophilus” và “Tái chế rác thải nhựa góp phần xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”.

Nhờ cống hiến hết mình cho công tác chuyên môn, nhiều năm liền, chị Cơ được Sở Y tế khen thưởng. Đặc biệt, năm 2020, chị được nhận bằng khen của Bộ Y tế vì thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên và các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; nhận giấy khen của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc - mỹ phẩm.

Chị Cơ tâm sự: “Tôi luôn mong muốn góp sức cho sự nghiệp nghiên cứu ở đơn vị, đồng thời chủ động học hỏi, nâng cao trình độ bản thân để khẳng định rằng, dù ở lĩnh vực nào, phụ nữ cũng có thể làm tốt, trở thành người có ích cho xã hội”.

Cân bằng công việc với gia đình

Chị Đặng Thị Cẩm Lai (SN 1993, ở huyện Hoài Ân) là Giám đốc Công ty TNHH Dulah, chuyên các dòng sản phẩm liên quan đến nụ hoa hòe. Sau 2 năm khởi nghiệp tại quê hương Ân Hảo Đông, hiện tại, công ty của chị đã có 1.500 m2 đất trồng cây hoa hòe và liên kết với các hộ dân trồng thêm gần 10 ha, đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để có được thành công như hiện tại, chị Lai đã trải qua nhiều thử thách, từ việc đến từng cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đến nghiên cứu thị trường ở TP Hồ Chí Minh lẫn Bình Định để đưa ra hướng đi phù hợp. Từ việc thu thập nguyên liệu, sản xuất từng gói trà, chị Lai dần chuyển hướng sang trồng cây hòe nguyên liệu, đảm bảo quy trình sản xuất đạt chất lượng cao.

Chị Lai cùng sản phẩm trà nụ hoa hòe. Ảnh: NVCC

Dốc sức cho sự nghiệp là vậy, nhưng chưa khi nào chị lơ là mái ấm nhỏ của mình. Khi anh đi làm xa, chị thay chồng chăm lo bố mẹ hai bên. Anh luôn tranh thủ thời gian về thăm, lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho việc kinh doanh của chị. Bởi vậy, dù chồng đang làm việc tại Nhật Bản, vợ chồng sống xa nhau nhưng không cảm thấy yếu lòng.

Trước quan điểm “phụ nữ giỏi kinh doanh thì không đảm việc nhà”, chị Lai chia sẻ: “Phụ nữ có thể vẹn toàn sự nghiệp lẫn gia đình, miễn sao học được cách lắng nghe, chia sẻ và cân bằng cuộc sống. Nỗ lực trau dồi bản thân ở mọi khía cạnh là điều cần thiết mà phụ nữ hiện đại nên làm để hạnh phúc hơn, thành công hơn”.

DƯƠNG LINH - Nguồn Báo Bình Định