CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mặt trận và các hội, đoàn thể tỉnh
10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Từng bước phát huy hiệu quả
Thứ sáu 03/06/2022 09:52

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hóa triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trong quá trình thực hiện, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 12-Qđi/TU ngày 14/9/2018 về “Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quy chế số 06-QC/TU ngày 14/9/2018 về “Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh”; chỉ đạo thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”... Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều quy định về cơ chế, nội dung, kinh phí, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến người dân

Căn cứ tình hình thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã nghiên cứu, đề xuất nội dung giám sát, phản biện xã hội để cấp ủy phê duyệt, cho chủ trương thực hiện, tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý khoáng sản, môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Đến nay, Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã thành lập 1.231 đoàn, tổ chức giám sát 2.191 cuộc với nhiều nội dung khác nhau trong đó: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thành lập 36 đoàn, tổ chức giám sát 165 cuộc, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức và tham gia 270 đoàn giám sát; Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh tổ chức 110 cuộc giám sát; Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 25 cuộc giám sát; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức giám sát tại 1.030 đơn vị… Qua giám sát, đã kịp thời đề xuất các chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp.  

Hội nghị phản biện dự thảo Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 51 hội nghị phản biện xã hội về các chủ trương, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tham gia góp ý và tổ chức lấy ý kiến góp ý hơn 2.100 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Qua đó, đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn trong hoạt động phản biện xã hội. Hoạt động phản biện xã hội của các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Qua thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, đồng hành trong Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra./.

                                                                                                            Lệ Hằng