CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mặt trận và các hội, đoàn thể tỉnh
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN, THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thứ tư 06/04/2022 16:20

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân”.

Chỉ vài tháng sau khi bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó xác định các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để “xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện…; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Những văn kiện của Đảng đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường, dịch bệnh, xung đột lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo diễn biến vô cùng phức tạp. Trong nước, việc ký kết, thực hiện cam kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EAEU-VN FTA (liên minh Á Âu),… và phê chuẩn các công ước quốc tế về lao động như Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và trong thời gian tới là Công ước 87 về Quyền tự do liên kết…. đã đặt ra cho tổ chức Công đoàn Việt Nam một thử thách chưa từng có trong lịch sử hơn 90 năm ra đời, trưởng thành và phát triển, đó là sự cạnh tranh với các tổ chức khác của công nhân tại doanh nghiệp.

Do đó, muốn xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh thì phải tập hợp được đông đảo người lao động (NLĐ) tham gia vào công đoàn, phải thành lập được công đoàn cơ sở ở mọi địa bàn, mọi doanh nghiệp đủ điều kiện vì đây là nhiệm vụ “sống còn” của tổ chức, trong đó khu vực doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) phải là địa bàn được quan tâm hàng đầu do khu vực này tập trung lực lượng lao động đậm đặc, có tác phong, có tay nghề, dễ tiếp thu cái mới đồng thời cũng dễ bị tổn thương nếu bị kẻ xấu lợi dụng.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết 02-NQ/TW đã đặt ra là phấn đấu đến năm 2023 có 12 triệu đoàn viên, đến năm 2025 có 13,5 triệu đoàn viên; đến năm 2030 có 16,5 triệu đoàn viên và đến năm 2045 thì hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam, đòi hỏi các cấp công đoàn cần tìm ra những giải pháp phù hợp, đặc biệt là các giải pháp phát triển tổ chức trong khu vực doanh nghiệp mà địa bàn KCN là trọng điểm như đã nêu ở trên.

Quang cảnh Hội thảo “Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp trong tình hình mới” ngày 28,29/3 tại Quy Nhơn.

Đ/c Lê Từ Bình - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch Công đoàn KKT tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội thảo.

Từ kết quả Hội thảo “Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các KCN trong tình hình mới” của Cụm Công đoàn các KCN duyên hải Nam Trung bộ do Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức tại Quy Nhơn vào ngày 28, 29/3/2022 vừa qua, đã có nhiều giải pháp được trình bày, trong đó có một số giải pháp nổi bật như:

Một là, chú trọng công tác phối hợp với ban quản lý khu kinh tế, xuất phát từ kế hoạch phát triển đoàn viên cả nhiệm kỳ, công đoàn cần chủ động làm việc với ban quản lý để khảo sát nắm tình hình doanh nghiệp, xây dựng các phương án, thành lập các đoàn công tác với đủ thành phần từ cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, chủ đầu tư hạ tầng và địa phương đến làm việc với doanh nghiệp, từ đó vận động phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở tại đây.

Hai là, tuyên truyền để NLĐ thấy được những lợi ích khi tham gia công đoàn, đó là có cả một tổ chức hùng hậu hỗ trợ phía sau mỗi khi NLĐ bị xâm phạm về quyền, lợi ích hợp pháp của họ, đơn cử như việc hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Nếu NLĐ chỉ đứng riêng một mình và đấu tranh vì lợi ích cá nhân, NLĐ sẽ hoàn toàn yếu thế trước người sử dụng lao động hơn là cả một tập thể đứng ra đòi quyền lợi.

Ba là, vận dụng có hiệu quả các thiết chế công đoàn sẵn có để làm bàn đạp, làm cơ sở thu hút đoàn viên NLĐ đến tham dự các hoạt động, tạo ra lợi ích vật chất tinh thần để họ phục hồi sức lao động thông qua việc tham gia các hoạt động tại đây, từ đó lôi kéo và giữ chân họ với công đoàn.

Thứ tư, cần có sự nhạy bén, nhìn ra “thời cơ” trong “nguy cơ” như nhiều cấp công đoàn trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã thực hiện, đó là đẩy mạnh việc hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn trong đại dịch qua các mô hình Chuyến xe 0 đồng, Gian hàng 0 đồng, Túi quà yêu thương, Đi chợ giúp dân,… để từ đó NLĐ thấy được vai trò, sự sẻ chia của tổ chức, tận tụy của cán bộ công đoàn, hòa mình vào NLĐ, vì NLĐ như cách mà ban chấp hành công đoàn cơ sở chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Quy Nhơn đã làm là tham mưu với ban giám đốc chi hỗ trợ tiền học phí cho con em NLĐ của công ty với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng… Công đoàn Khu Kinh tế Bình Định với các mô hình phối hợp Công an tỉnh hỗ trợ thủ tục cấp căn cước công dân tại doanh nghiệp, giúp NLĐ không phải đi xa, giảm thời gian chờ đợi và tập trung đông người, ít ảnh hưởng đến năng suất lao động của doanh nghiệp; là mô hình tặng Túi đồ dùng cá nhân gồm các vật dụng vệ sinh hàng ngày cho NLĐ trong doanh nghiệp bị phong tỏa tạm thời để tầm soát truy vết và được NLĐ cảm động, tặng cho tên “Túi quà yêu thương”; là mô hình manocanh tuyên truyền đặt tại cổng công ty…

Những giải pháp trong hội thảo đã làm cho cán bộ công đoàn ở các KCN duyên hải Nam Trung bộ học hỏi, đúc rút được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để từ đó vận dụng phù hợp vào tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị, qua đó góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và chỉ tiêu Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã đề ra./.

Lê Từ Bình - LĐLĐ tỉnh Bình Định