CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mặt trận và các hội, đoàn thể tỉnh
KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 - 14/10/2021): GIỮ VỮNG VAI TRÒ LÀ TRỤ ĐỠ CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Thứ năm 14/10/2021 02:42
Với sự định hướng, lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

I. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và phong trào đấu tranh của nông dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương, kêu gọi Dân cày tham gia đấu tranh đòi bỏ thuế người, thuế vườn, thuế chợ, thuế đò, bỏ lệ bắt phu… Tại Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 10/1930 tại Hương Cảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương, trong đó nêu rõ mục đích ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân. Từ đây, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nông hội khắp nơi trong nước đã phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nông dân đã cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, chống nạn thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống cải lương lừa dối, chống chiến tranh… Chỉ tính riêng trong năm 1937, đã có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế,... được tổ chức. Từ tháng 01 - 11/1938, có 125 cuộc đấu tranh của nông dân với 55.442 người tham gia. Theo từng giai đoạn cách mạng, với những đổi mới về hình thức, khẩu hiệu hoạt động và các tên gọi khác nhau, tổ chức Hội Nông dân đã tập hợp nông dân từ miền ngược đến miền xuôi tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh. Qua phong trào đấu tranh, các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, đưa cả nước bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng "Cánh đồng 5 tấn", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa", đã xuất hiện nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm, kiên cường, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

II. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78–CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Đến ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42–QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Và tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vừa xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh; vừa đoàn kết tập hợp, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện Nghị quyết, đóng góp vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn nước ta có bước phát triển toàn diện và vượt bậc. Cơ cấu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản được chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa; thu nhập, đời sống, vật chất tinh thần của người nông dân tăng lên. Vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được phát huy.

III. Nông, lâm nghiệp - bệ đỡ nền kinh tế trong đại dịch

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến phức tạp trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.  Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống "Cửa hàng Nông sản an toàn". Thông qua các cửa hàng này đã tạo ra mối liên kết giữa các địa phương trong cả nước để giới thiệu những mặt hàng nông sản đặc trưng của các vùng miền. Các cấp hội cũng đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Với tinh thần "Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch", Trung ương Hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, qua hệ thống cửa hàng nông sản của Hội đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, được các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành ủng hộ, chung tay hỗ trợ tiêu thụ với hàng trăm nghìn tấn nông sản các loại. Góp phần củng cả hệ thống chính trị đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung. Thực tế đó cho thấy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước.

Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng Nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam chiến thắng dịch bệnh Covid-19 gắn với lao động, sản xuất để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại./.

Ngọc Hà